Kiến Thức Nông Nghiệp

Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng nước tưới cây

14/06/2023 Agmin.vn 0 Nhận xét

Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng nước tưới cây hoàn toàn khác với các tiêu chuẩn dành cho nước uống. Chất lượng và thành phần của nước tưới ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cây, cấu trúc đất và cả hệ thống tưới tiêu. Mời bà con cùng Agmin tham khảo các tiêu chuẩn được dùng để đánh giá chất lượng nước tưới trong bài viết sau đây.

Một số tính chất vật lý và sinh học, chẳng hạn như độ đục, tảo, vi khuẩn hoặc virus cũng tác động đến chất lượng nước tưới tiêu. Hơn nữa, chất lượng nước tưới chủ yếu đề cập đến thành phần hóa học của nước, hay cụ thể hơn là thành phần khoáng chất của nước. Và tất nhiên, loại bỏ độ đục, diệt tảo và xử lý các tạp chất khác ra khỏi nước khả thi hơn là việc giảm lượng khoáng chất.

Ngoài ra, các tiêu chí đánh giá chất lượng nước tưới còn phụ thuộc vào giống cây trồng, vì mỗi loại cây khác nhau sẽ có các phản ứng khác nhau hoặc độ nhạy cảm nhất định đối với một số khoáng chất hoặc tính chất của nước.

tieu chuan danh gia chat luong nuoc tuoi cay

Chất lượng nước tưới ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cây, cấu trúc đất và hệ thống tưới tiêu.

Các tiêu chuẩn hoặc tính chất hóa học được dùng để đánh giá chất lượng nước tưới cây là:

  • Độ pH của nước
  • Độ mặn của nước
  • Độ cứng của nước
  • Độ kiềm của nước
  • SAR (Sodium Adsorption Ratio) - Tỷ lệ hấp thụ natri, đây là giá trị biểu thị cho tỷ lệ giữa các ion natri với hàm lượng các ion Canxi và ion Magie
  • Nồng độ các dưỡng chất

Tất cả các thông số trên đều được xác định từ thành phần khoáng chất của nước. Dưới đây là phần diễn giải chi tiết cho từng tiêu chuẩn.

1. Chất lượng nguồn nước tưới

Xác định tính chất nguồn nước là bước đầu tiên để đánh giá chất lượng nước dùng để tưới cây.

Chất lượng nước ngầm khác hẳn so với chất lượng nước bề mặt (nước sông, hồ, đầm lầy, đại dương). Nước ngầm thường chứa hàm lượng muối hòa tan (khoáng chất) cao hơn nước bề mặt, nguyên nhân là do đá khoáng bị phá vỡ rồi hoà tan vào nước, tạo thành nguồn muối hòa tan trong nước. Trong khi đó, nước bề mặt chứa độ đục và tạp chất sinh học cao hơn nước ngầm, bởi vì nước bề mặt tiếp xúc với môi trường bên ngoài và chảy tràn.

Các loại muối khoáng thường tồn tại trong nguồn nước tự nhiên là:

khoang chat trong nuoc tuoi cay

khoang chat trong nuoc tuoi cay

2. Độ pH của nước tưới

Độ pH của nước tưới ảnh hưởng đến độ hòa tan muối khoáng trong đất. Nếu muối khoáng không được hòa tan thì không thể trở thành dạng sẵn có cho cây, tức là cây chỉ hấp thụ các khoáng chất hòa tan một cách trực tiếp từ nước hoặc từ dung dịch đất.

Hầu hết các chất dinh dưỡng sẵn có cho cây ở phạm vi pH từ 5,5-6,5. Trên thực tế, do diện tích canh tác rộng lớn nên rất khó để chúng ta điều chỉnh pH đất bằng việc kiểm soát pH nước tưới.

Việc điều chỉnh pH nước thực sự cần thiết trong các trường hợp dưới đây:

  • Để tránh tắc nghẽn bộ phát nước, nhất là trong hệ thống tưới nhỏ giọt, do các kết tủa khoáng chất bị mắc lại, chẳng hạn như Canxi cacbonat CaCO3
  • Trong môi trường thủy canh và không cần đất, nơi mà độ pH của nước tưới ảnh hưởng trực tiếp đến sự sẵn có của các chất dinh dưỡng.
  • Khi tưới thường xuyên cho đất, độ pH của nước có tác động đến sự hấp thụ chất dinh dưỡng của cây.

tieu chuan chat luong nuoc tuoi cay

Độ pH của nước tưới ảnh hưởng đến độ hòa tan muối khoáng trong đất.

3. Độ mặn của nước tưới

Độ mặn quá cao làm giảm khả năng hấp thụ nước của cây, dẫn đến năng suất giảm, cây héo, cháy lá và một số triệu chứng khác.

Độ mặn của nước được đo bằng TDS (Total Dissolved Salts - Tổng lượng muối hòa tan) hoặc EC (Electrical Conductivity - Độ dẫn điện). Cả hai thông số này đều liên quan đến tổng nồng độ muối hòa tan trong nước.

Dưới đây là bảng phân loại độ mặn của nước tưới dựa trên giá trị ECw và TDS:

phan loai do man cua nuoc

4. Độ cứng của nước tưới

Về cơ bản, độ cứng của nước biểu thị cho tổng nồng độ Canxi và Magie có trong nước. Đơn vị đo độ cứng của nước là miligam CaCO3 trên mỗi lít (mg/l), 1 mg/l = 1 ppm. Với một nồng độ vừa phải trong nước, Canxi và Magie rất có ích cho sự sống của cây. Tuy nhiên, nếu nồng độ của chúng, tức độ cứng của nước vượt quá mức cho phép sẽ làm tắc nghẽn hoặc cản trở hoạt động của hệ thống tưới. Trường hợp độ cứng quá thấp thì xảy ra tình trạng ăn mòn hệ thống tưới.

5. Độ kiềm của nước tưới

Độ kiềm là thước đo khả năng đệm của nước, hay nói cách khác là khả năng chống lại sự thay đổi pH của nước trước những tác động hoá học bên ngoài làm cho nước có tính axit hơn (hay làm giảm giá trị pH của nước).

Độ kiềm được tính bằng tổng hàm lượng Axit cacbonic (H2CO3) + Bicacbonat (HCO3-) + Cacbonat (CO32-) có trong nước. Tương tự độ cứng, độ kiềm được biểu thị bằng đơn vị miligam CaCO3 trên mỗi lít (mg/l).

Độ kiềm được coi là một trong các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng nước tưới quan trọng nhất, vì việc giảm độ pH của nước có độ kiềm cao khó hơn nhiều so với việc giảm độ pH của nước có độ kiềm thấp, ngay cả khi cả hai đều có cùng mức pH ban đầu. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự sẵn có của nhiều chất dinh dưỡng.

Ghi chú: Cần phân biệt rõ giữa độ kiềm của nước với tính kiềm, vốn được thể hiện qua một phép đo trên thang đo pH với giá trị pH lớn hơn 7.

6. SAR – Tỷ lệ hấp phụ Natri

SAR là thông số ước tính khả năng Natri được hấp phụ vào các hạt đất, có liên quan đến Canxi và Magie.

Sử dụng nước tưới có SAR từ 10 trở lên gây tác động xấu đến cấu trúc và tốc độ thấm của đất. Điều này đặc biệt đúng đối với đất có tỷ lệ sét tương đối cao, khiến đất nứt nẻ khi khô hạn và trương nở khi ẩm ướt. Hậu quả là hạt nảy mầm kém, rễ bị tổn thương và giảm khả năng sục khí.

SAR được tính theo công thức sau:

cong thuc tinh ty le hap phu natri SAR

Trong đó, tất cả nồng độ được tính bằng đơn vị meq/l, không phải ppm.

Tác động của Độ mặn và SAR đến cấu trúc và tốc độ thấm của đất hoàn toàn trái ngược nhau. Mối quan hệ giữa độ mặn của nước, SAR và tốc độ thấm của đất được mô tả trong đồ thị sau.

do thi SAR va do man cua nuoc tuoi cay

7. Nồng độ chất dinh dưỡng trong nước tưới

Như đã đề cập ở trên, sự phản ứng đối với nồng độ các chất dinh dưỡng của mỗi loại cây trồng là khác nhau. Đôi khi, chênh lệch chỉ vài ppm cũng tạo ra sự khác biệt.

Một ví dụ điển hình cho tình huống này là nồng độ Boron trong nước tưới. Nếu như cà chua chịu được nồng độ Boron lên đến 6 ppm, thì cây có múi lại bị ngộ độc Boron ở nồng độ trên 0,5 ppm.

Qua đó, chúng ta thấy rằng, đôi khi để quyết định xem chất lượng nước tưới có phù hợp với cây hay không, chỉ cần dựa vào nồng độ 1 chất dinh dưỡng cụ thể.

Trên đây các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng nước tưới cây mà Agmin muốn chia sẻ cùng bà con nông dân. Hy vọng rằng với những kiến thức này sẽ giúp ích cho bà con trong việc chọn lọc nguồn nước tưới phù hợp nhất với loại cây trồng đang canh tác.

Biên tập bởi Agmin.vn

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

popup

Số lượng:

Tổng tiền: