Kiến Thức Nông Nghiệp

Vai trò của Boron đối với cây trồng

10/06/2023 Agmin.vn 0 Nhận xét

Boron (ký hiệu B) là một vi chất dinh dưỡng thiết yếu trong vòng đời thực vật. Boron là thành phần quan trọng của thành tế bào thực vật, cần thiết cho sự chuyển hóa carbohydrat, tổng hợp axit nucleic và thụ phấn. Trong bài viết sau đây, Agmin mời bà con tham khảo rõ hơn về tác dụng, sự sẵn có Boron trong đất và triệu chứng rối loạn dinh dưỡng Boron mà cây có thể mắc phải.

1. Tác dụng của Boron đối với cây

Nồng độ trung bình của Boron trong đất là khoảng 30 mg/kg, tuy nhiên, chỉ 1-5% là sẵn có cho cây hấp thụ. Trong số các chất dinh dưỡng thực vật, Boron là chất có phạm vi an toàn rất hẹp. Ví dụ, đối với Boron trong dịch chiết nước nóng, nồng độ dưới 5 ppm được coi là thiếu hụt nhưng cao hơn 1,5 ppm thì lại gây ngộ độc cho các loài cây nhạy cảm.

vai tro boron doi voi cay

Vai trò của Boron đối với cây.

Boron tham gia vào một số quá trình bên trong thực vật, bao gồm:

  • Đóng vai trò xúc tác trong các phản ứng hình thành vách tế bào bằng cách tạo cầu nối diester giữa các pectin.
  • Cải thiện chất lượng phấn hoa.
  • Tham gia vận chuyển đường và chuyển hóa cacbohydrat.
  • Tham gia tổng hợp Acid ribonucleic (ARN hay RNA). Đây là một phân tử polyme cơ bản có nhiều vai trò sinh học trong mã hóa, dịch mã, điều hòa, và biểu hiện của gen thực vật.
  • Tham gia chuyển hóa auxin (1 loại hormone thúc đẩy sự sinh trưởng giãn của tế bào).
  • Đóng vai trò điều hòa các chức năng của màng tế bào. Màng tế bào thực hiện chức năng gồm điều khiển sự vận chuyển vào và ra của các chất, duy trì điện thế màng và nồng độ các chất bên trong và bên ngoài màng.

2. Sự hấp thụ Boron của cây

Tương tự Canxi, vi lượng Boron được cây hấp thụ cùng với nước. Ban đầu, Boron di chuyển theo dòng chảy khối lượng của nước để tiến về phía rễ. Sau đó, thông qua quá trình thoát hơi nước diễn ra ở dòng mạch gỗ, Boron được vận chuyển từ rễ lên lá và đến các bộ phận khác của cây. Sự hấp thu Boron của cây mang tính thụ động và khả năng di động của nó trong phloem bị hạn chế. Do đó, việc cung cấp Boron cho cây phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố như: tốc độ thoát hơi nước và lượng nước sẵn có trong đất.

Thực vật hấp thụ Boron chủ yếu dưới dạng Axit Boric (H3BO3) và ở một mức độ nào đó là dạng Borat (H2BO3-). Boron cũng là chất dinh dưỡng duy nhất được cây hấp thụ dưới dạng phân tử không mang điện, thay vì dưới dạng ion. Phân tử nhỏ này dễ dàng đi qua màng tế bào rễ.

3. Yếu tố ảnh hưởng hàm lượng Boron trong đất

Hầu hết vi lượng Boron trong đất được hấp phụ trên bề mặt các hạt đất, chủ yếu là oxit sắt và nhôm, khoáng sét, canxi cacbonat, oxit magie và chất hữu cơ.

Trong dung dịch đất, Boron tồn tại dưới dạng Axit Boric và Borat, đây cũng là các dạng sẵn có cho cây hấp thụ.

Hàm lượng Boron sẵn có cho cây bị ảnh hưởng bởi các yếu tố liên quan đến điều kiện đất, khí hậu và canh tác nông nghiệp. Cụ thể là:

- Chất hữu cơ trong đất - đây là nguồn chứa Boron nhiều nhất, do đó sự thiếu hụt Boron thường xảy ra ở môi trường đất có hàm lượng chất hữu cơ thấp. Boron được giải phóng vào đất thông qua quá trình phân hủy chất hữu cơ.

- Căng thẳng khô hạn - làm hạn chế dòng chảy khối lượng của nước về rễ và giảm tốc độ thoát hơi nước, cho nên khiến cho hàm lượng sẵn có của Boron sụt giảm.

- Độ pH của đất – Boron sẵn có nhiều nhất trong đất hơi chua, độ pH khoảng từ 5,0 đến 6,5. Ở độ pH cao, sự cố định Boron trong đất tăng lên, còn trong đất có tính axit cao thì Boron bị hấp phụ bởi oxit nhôm và sắt.

- Đất ẩm, lạnh – giảm tỷ lệ khoáng hóa Boron do hoạt động của vi sinh vật bị hạn chế.

- Tưới quá nhiều hoặc lượng mưa cao – thất thoát Boron do bị nước rửa trôi khỏi đất.

- Kết cấu đất – đất có kết cấu thô thường chứa ít Boron hơn đất có kết cấu mịn, bởi vì Boron dễ bị rửa trôi xuống dưới vùng rễ trong đất cát. Đất thô, đất cát và những loại đất bị rửa trôi quá mức dễ xảy ra tình trạng thiếu hụt Boron.

- Nguồn nước tưới tiêu – Boron tồn tại trong nước ngầm tự nhiên. Vì vậy, khi sử dụng nước ngầm để tưới cây, chúng ta cần chú ý đến nồng độ Boron trong nước:

  • Nồng độ Boron 0,2-0,3 ppm an toàn cho hầu hết các loại cây.
  • Nồng độ Boron trên 0,5 ppm cần được chú ý và quản lý tưới tiêu hợp lý, để tránh tích tụ Boron dư thừa ở vùng rễ.

4. Triệu chứng rối loạn dinh dưỡng Boron ở cây

Các triệu chứng rối loạn dinh dưỡng, bao gồm thiếu hụt hoặc ngộ độc Boron ở mỗi loại cây là khác nhau. Tuy nhiên nhìn chung, Boron là chất bất động (không di chuyển) trong hầu hết các loại cây, do đó, các triệu chứng thiếu hụt dinh dưỡng thường xuất hiện trên lá non và chồi cuối (hay còn gọi là chồi đỉnh, điểm sinh trưởng chính của ngọn cây).

4.1. Triệu chứng cây thiếu hụt Boron

- Đầu lá non bị úa vàng, nhợt nhạt

- Lóng cây ngắn

- Bộ rễ còi cọc

- Ống phấn phát triển kém

- Giảm ra hoa

- Lá cây dị dạng

- Thân cây rỗng

trieu chung thieu hut boron

Triệu chứng thiếu hụt Boron ở dâu tây.

4.2. Triệu chứng cây ngộ độc Boron

- Đầu lá úa nâu

- Đốm hoại tử giữa các đường gân của lá già

- Lá cuộn tròn và giảm sinh trưởng.

trieu chung ngo doc boron

Triệu chứng ngộ độ Boron ở cây táo.

5. Thành phần phân bón vi lượng Boron

Các nguyên liệu được sử dụng phổ biến nhất trong sản xuất phân bón Boron là:

thanh phan phan bon boron

Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng rễ khó hấp thụ Boron trong điều kiện đất bất lợi (đất kiềm, đất thô, đất cát, đất bị rửa trôi), chúng ta có thể lựa chọn các sản phẩm phân bón Boron công nghệ Chelate hữu cơ, bón được cho cả lá và đất.

Một số ưu điểm của phân bón Boron Chelate hữu cơ là:

- Được phép sử dụng trong canh tác hữu cơ

- Được Chelate hóa bằng các hợp chất hữu cơ Axit fulvic, Axit humic, Lignin tự nhiên, tăng khả năng hấp thụ hoàn toàn của lá và rễ trong 4 giờ.

- Bù đắp nhanh chóng thiếu hụt Boron, giữ Boron ở dạng sẵn có trong đất, giúp tiết kiệm chi phí phân bón và canh tác.

Mặc dù cây chỉ cần hấp thụ một lượng nhỏ Boron nhưng thiếu hụt Boron lại gây ra các tác hại nghiêm trọng cho năng suất, khiến nụ và hoa rụng nhiều, giảm số lượng cũng như chất lượng của quả và hạt. Nếu muốn cung cấp Boron cho cây một cách an toàn và hiệu quả, bà con cần áp dụng tỷ lệ bón phù hợp với điều kiện đất và loại cây trồng.

Biên tập bởi Agmin.vn

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

popup

Số lượng:

Tổng tiền: