Kiến Thức Nông Nghiệp

Cách nhận biết thiếu hụt dinh dưỡng và ngộ độc ở cây có múi

30/03/2023 Agmin.vn 0 Nhận xét

Nhận biết các triệu chứng thiếu hụt dinh dưỡng và ngộ độc là những khía cạnh quan trọng trong canh tác cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi, chanh,...). “Bắt đúng bệnh, trị đúng thuốc”, chỉ khi xác định đúng những rối loạn dinh dưỡng cây đang gặp phải thì chúng ta mới tìm được biện pháp khắc phục, chữa trị kịp thời, không để biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và năng suất của cây, gây thiệt hại giá trị kinh tế. Trong bài viết sau đây, bà con hãy cùng Agmin lần lượt tìm hiểu cách nhận biết tình trạng thiếu hụt các chất Ni-tơ, Phốt pho, Kali, Magie, Mangan, Kẽm, Sắt, Đồng, Boron, Molybden và triệu chứng ngộ độc thường gặp trên cây có múi.

Lá chanh mất chất diệp lục do thiếu hụt dinh dưỡng.

1. Nhận biết triệu chứng thiếu hụt dinh dưỡng ở cây có múi

1.1. Cây có múi thiếu Nitơ

Ban đầu, thiếu hụt Ni-tơ khiến cho lá từ màu xanh đậm chuyển sang màu xanh nhạt, sau đó toàn bộ lá trên cây ngả sang màu vàng.

Lá xanh đậm là lá bình thường; 2 lá còn lại ngả vàng do cây thiếu Nitơ.

Lá non có màu xanh nhạt, nhưng sau đó chuyển sang xanh đậm. Lá và phiến lá cong lại, các gân lá úa vàng trong khi lá vẫn có màu xanh như bình thường.

Các gân lá bị úa vàng.

Hiện tượng lá bị nhiễm clo (mất chất diệp lục) thường xảy ra vào mùa thu mát mẻ và mùa đông do cây trồng giảm hấp thụ nitơ từ đất. Thiếu đạm cũng là nguyên nhân khiến lá già hóa, ngả sang màu vàng đồng trước khi rụng.

Lá già hóa và ngả vàng.

Tóm lại, thiếu hụt nitơ sẽ hạn chế sự phát triển và năng suất của cây trồng. Trong khi đó, dư thừa Nitơ kích thích cây tăng trưởng quá mức, từ đó ảnh hưởng xấu đến chất lượng quả và làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, đặc biệt là ở những vùng đất dễ bị tác động.

1.2. Cây có múi thiếu Phốt pho

Quả khá thô, vỏ dày, ít nước và có hàm lượng axit cao (chua nhiều). Ngoài ra, thiếu hụt Phốt pho còn khiến cho lá ngả sang màu vàng đồng.

Quả bên trái là quả bình thường; Quả bên phải thô và ít nước do cây thiếu Phốt pho.

Sự thiếu hụt phốt pho dường như không xảy ra ở những vùng đất đã từng được bón Phốt pho. Tuy nhiên, nếu trồng cây trên những vùng đất chưa từng được canh tác thì chúng ta cần phải bón nhiều Phốt pho để cải tạo đất.

1.3. Cây có múi thiếu Kali

Quả nhỏ hơn bình thường, vỏ mỏng và láng và có thể xảy ra hiện tượng rụng quả sớm. Thiếu kali thường xảy ra ở những vùng đất đá vôi do sự đối kháng nguyên tố và những nơi trồng nhiều loại cây ăn quả với tỷ lệ nitơ cao. Đôi khi, chúng ta có thể quan sát thấy lá cây bị bạc màu, đặc biệt là trên chanh.

3 mức độ thiếu hụt Kali; trong đó, quả nhỏ nhất là quả thiếu Kali nhiều nhất.

1.4. Cây có múi thiếu Magie

Đầu tiên, từ phần gốc lá xuất hiện một đốm màu vàng xanh nằm ở giữa gân chính và mép ngoài. Một thời gian sau, đốm màu vàng xanh này lan dần ra, cho đến khi chỉ còn lại một vùng xanh hình chữ V ngược trên gân giữa. Khi thiếu hụt Magie cấp tính, toàn bộ lá ngả sang màu vàng đồng và cuối cùng lá rụng.

Triệu chứng thiếu hụt Magie trên lá.

Vôi dolomite vừa có tác dụng nâng pH đất, vừa bổ sung thêm magie cho cây. Ngoài ra, sự thiếu hụt Magie trong đất đá vôi có thể được khắc phục bằng cách bón phân qua lá.

1.5. Cây có múi thiếu Mangan

Nếu cây không hấp thụ đủ Mangan, trên lá sẽ xuất hiện các dải màu xanh đậm hơn bình thường, chạy dọc theo các đường gân lá, khiến lá trở nên lốm đốm, không đều màu. Và khi mức độ nghiêm trọng tăng lên, lá ngả sang màu vàng đồng.

Triệu chứng thiếu hụt Mangan trên lá.

Sự thiếu hụt Mangan và Kẽm đều có thể xảy ra trên đất đá vôi và tình trạng rối loạn dinh dưỡng thường nặng hơn ở những cây có gốc ghép nhạy cảm với độ pH cao.

Trong một số trường hợp, các dấu hiệu ban đầu của sự thiếu hụt Mangan biến mất khi vào mùa vụ, vì vậy chúng ta cần thường xuyên theo dõi và đưa kết luận chính xác trước khi áp dụng biện pháp khắc phục. Bón đất hay bón lá đều có thể bổ sung Mangan cho cây một cách hiệu quả.

1.6. Cây có múi thiếu Kẽm

Ban đầu, trên lá xuất hiện những đốm nhỏ màu vàng và gân lá vẫn còn xanh. Bước sang giai đoạn nghiêm trọng hơn, thịt lá ngả sang màu vàng, lá sinh trưởng nhỏ với phần đầu lá nhọn hẹp. Cây cam quýt bị bệnh cháy lá cũng sẽ có các biểu hiện tương tự như vậy.

Lá ngả vàng, đầu lá nhọn hẹp.

Cách tốt nhất để bổ sung Kẽm cho cây là sử dụng phân bón lá.

1.7. Cây có múi thiếu Sắt

Trong trường hợp nhẹ, gân lá chuyển sang màu xanh đậm. Trong những trường hợp nghiêm trọng, thịt lá chuyển từ màu xanh sang vàng hay trắng, nguyên do là lá đã mất đi chất diệp lục. Cuối cùng, cây kiệt sức, sức sống kém, cành và tán bị chết héo.

Triệu chứng thiếu hụt Sắt trên lá cây.

Thiếu sắt thường xảy ra ở môi trường đất đá vôi và các gốc ghép nhạy cảm với độ pH cao. Đôi khi, biểu hiện ban đầu khi rễ bị ngập úng và nhiễm độc đồng là các triệu chứng thiếu sắt.

1.8. Cây có múi thiếu Đồng

Ở mức độ thiếu hụt nhẹ, lá trưởng thành có màu xanh đậm và to hơn bình thường. Các chồi non phát triển thành các nhánh có hình cong hoặc hình chữ “S”, nguyên nhân thường là do bón quá nhiều đạm.

Triệu chứng thiếu hụt Đồng.

Ở các đốt cây, bắt đầu tích tụ gôm, một thời gian sau, thân cây nứt nẻ và gôm chảy ra. Thân cây thiếu đồng ốm yếu hơn bình thường, bẹt và có góc cạnh. Nhánh cây chết từ phần ngọn vào, chất lượng quả bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Gôm tích tụ ở đốt cây.

Tại nước ta, hiện tượng thiếu đồng thường xảy ra trên những vùng đất đầm lầy, ruộng lầy thụt.

1.9. Cây có múi thiếu Boron

Xuất hiện các đốm thâm sạm ở lớp cùi trắng hoặc ruột quả, quả biến dạng, vỏ sần sùi. Khác với sự thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng khác, Boron ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, phẩm vị của quả, do đó chúng ta nhất định phải kịp thời phát hiện và chữa trị cho cây càng sớm càng tốt.

Xuất hiện đốm thâm sạm ở lớp cùi trắng.

Ngoài ra, nếu bón quá nhiều Boron sẽ khiến cây bị ngộ độc, cho nên chúng ta chỉ cần áp dụng 1 trong 2 hình thức bón đất hoặc bón lá, tuyệt đối không được kết hợp cả 2.

1.10. Cây có múi thiếu Molybden

Thường xảy ra trong môi trường đất chua. Triệu chứng đặc trưng nhất là những đốm vàng lớn xuất hiện trên lá vào mùa xuân, sau một thời gian, hình dạng của những đốm vàng này sẽ trở nên rõ rệt hơn.

Đốm vàng xuất hiện trên lá do cây thiếu Molybden.

>>> Xem thêm: Vì sao đất thiếu dinh dưỡng vi lượng?

2. Nhận biết triệu chứng ngộ độc ở cây có múi

2.1. Cây có múi ngộ độc Đồng

Các triệu chứng khi cây bị ngộ độc Đồng bao gồm: tán cây mỏng đi, rễ sẫm màu và kém hấp thụ dinh dưỡng, cây chậm phát triển và tán lá xuất hiện triệu chứng thiếu sắt. Chúng ta có thể cải tạo đất nhiễm độc Đồng bằng cách bón vôi để nâng độ pH lên 6,5.

2.2. Cây có múi ngộ độc Boron

Triệu chứng ngộ độc Boron xuất hiện trước tiên ở phần đầu lá. Đầu lá ngả vàng hoặc lốm đốm. Khi mức độ ngộ độc nghiêm trọng hơn, những đốm này sẽ lan xuống mặt dưới của lá, khiến lá rụng sớm. Đến giai đoạn cuối, cây kém phát triển và cành chết.

Triệu chứng lá cây ngộ độc Đồng.

2.3. Cây có múi ngộ độc Biuret

Biuret là một tạp chất trong phân bón ure. Nếu hàm lượng Biuret ở mức cao thì sẽ gây ngộ độc cho cây có múi, do đó để phòng tránh, chúng ta chỉ nên sử dụng phân ure (nhất là phân bón lá) có hàm lượng Biuret thấp.

Triệu chứng cho thấy cây đã bị ngộ độc Biuret là những vùng úa vàng nằm giữa các gân lá. Ban đầu, đầu lá bị úa vàng, sau đó vùng màu vàng sẽ lan rộng ra toàn bộ bề mặt lá và cuối cùng, chỉ còn gân lá là màu xanh.

Vùng màu vàng lan rộng ra toàn bộ bề mặt lá, chỉ còn gân lá giữ được màu xanh.

2.4. Cây có múi ngộ độc mặn

Có nhiều triệu chứng ngộ độc do độ mặn gây ra giống với các triệu chứng của tình trạng căng thẳng hạn hán, chẳng hạn như: rễ chậm phát triển, giảm ra hoa, lá nhỏ và chồi phát triển kém. Trong đó, triệu chứng dễ nhận thấy nhất là cạnh lá bị cháy khô hoặc hoại tử, cuối cùng lá ngả vàng và rụng sớm. Bón thừa phân, tưới nước có độ mặn cao là các nguyên nhân chính khiến cho cây có múi bị ngộ độc mặn.

Lá héo vàng do ngộ độc độ mặn.

Các triệu chứng thiếu hụt dinh dưỡng hoặc ngộ độc thay đổi đáng kể từ mức độ nhẹ cho đến mãn tính. Nếu quan sát bằng mắt thường, các biểu hiện rối loạn dinh dưỡng ở cây có múi thường bị nhầm lẫn với ngộ độc thuốc diệt cỏ, thuốc diệt nấm, rối loạn sinh lý hoặc căng thẳng thực vật. Vì vậy, nếu cảm thấy nghi ngờ, Agmin khuyến nghị bà con tham khảo ý kiến của chuyên gia nông nghiệp tại địa phương trước khi thực hiện các biện pháp điều trị và phục hồi.

>>> Xem thêm: Nhận biết và kiểm soát bệnh thường gặp trên cây có múi.

Biên tập bởi Agmin.vn

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

popup

Số lượng:

Tổng tiền: