Kiến Thức Nông Nghiệp

Vai trò dinh dưỡng trong phòng ngừa bệnh cho cây

26/07/2023 Agmin.vn 0 Nhận xét

Dinh dưỡng hợp lý giúp phát triển, cải thiện sức khỏe tổng thể của cây trồng, tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc sâu bệnh và nâng cao chất lượng nông sản. Thiếu hụt dinh dưỡng hay dư thừa dinh dưỡng đều đe dọa nghiêm trọng đến sức sống của cây. Điểm mấu chốt ở đây là, việc đảm bảo dinh dưỡng cho cây, không chỉ đơn thuần là bón phân mà còn phải duy trì nguồn dinh dưỡng tự nhiên. Bài viết sau đây sẽ giúp chúng ta tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

1. Nguồn dinh dưỡng tự nhiên được hình thành từ mối quan hệ Đất - Vi sinh vật đất - Thực vật

nguon dinh duong tu nhien cho cay trong

Dinh dưỡng hợp lý giúp đảm bảo sức khỏe tổng thể của cây trồng.

Thông thường, các sinh vật gây bệnh (mầm bệnh) gây hại cho sự phát triển của cây trồng theo 2 cách:

- Xâm nhập vào mô rễ để lấy chất dinh dưỡng, khiến hoạt động của rễ bị rối loạn, ức chế chiều dài của rễ hoặc làm thối mô rễ.

- Tiết ra các độc tố hoặc chất thải khiến rễ hư hỏng.

Mặt khác, số lượng và chủng loại mầm bệnh tác động trực tiếp đến sự đa dạng vi sinh vật đất cũng như mức độ thiệt hại canh tác.

Trong khi tác dụng của các sản phẩm phân bón vô cơ đã được công nhận rộng rãi thì vai trò của vi sinh vật đất đối với dinh dưỡng thực vật vẫn còn bị xem nhẹ.

Thực chất, sinh vật đất có khả năng làm tăng hoặc giảm sản lượng nông nghiệp, tương tự như vậy, các biện pháp canh tác nông nghiệp vừa có lợi mà cũng vừa có hại cho sinh vật. Sự ổn định của các yếu tố gồm: chất lượng đất, hoạt động vi sinh vật và hấp thụ khoáng chất của cây trồng tạo nên 1 trạng thái cân bằng tự nhiên. Trong đó, hàm lượng chất hữu cơ trong đất càng dồi dào thì hoạt động của vi sinh vật càng tích cực và đa dạng, như vậy mới có thể liên tục tạo ra nguồn dinh dưỡng khả dụng cho mỗi thế hệ thực vật.

Do đó, hoàn toàn đúng khi nhận định rằng chất hữu cơ cung cấp “sự sống” cho đất trồng. Khoáng hóa là 1 quá trình tự nhiên mà trong đó vi sinh vật phân hủy các hợp chất hữu cơ thành các chất dinh dưỡng đơn giản hơn mà rễ có thể hấp thụ. Như vậy, khoáng hóa chất hữu cơ chính là “chìa khóa” quyết định độ phì nhiêu của đất.

Giữa thực vật và vi sinh vật đất tồn tại mối quan hệ cộng sinh, hay còn gọi là quan hệ tương hỗ. Các loại nấm có lợi, chẳng hạn như nấm rễ cộng sinh Mycorrhiza làm nhiệm vụ hấp thụ nước, Nitơ, Phốt pho và các chất dinh dưỡng khác từ đất để cung cấp cho cây. Đổi lại, cây phải góp vào đất 20-35% tổng số đường đơn (được tạo ra từ quá trình quang hợp) thông qua rễ để thu hút vi khuẩn và nấm có lợi đến bảo vệ cây khỏi sự tấn công của mầm bệnh. Tuy nhiên, quá trình trao đổi tự nhiên này có thể bị phá vỡ bởi việc làm dụng quá nhiều hóa chất, tạo điều kiện cho mầm bệnh chiếm ưu thế.

Đất màu mỡ, giàu vi sinh vật có lợi hoặc chứa một nhóm vi sinh vật đối kháng được gọi nôm na là “đất miễn dịch” (suppressive soil), tức là đất có khả năng ngăn cản sự hình thành mầm bệnh.

Việc bổ sung các vi sinh vật có lợi vào đất không chỉ giúp cải thiện năng suất cây trồng mà còn góp phần cải tạo chất lượng đất. Tương tự như vậy, hàm lượng của tất cả các nguyên tố dinh dưỡng thiết yếu đều ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

2. Các chất dinh dưỡng thiết yếu giúp cây hạn chế sâu bệnh

Hầu hết các kết quả nghiên cứu về dinh dưỡng thực vật và quản lý sâu bệnh đều đưa ra cùng 1 nhận xét rằng: thực vật được cung cấp dinh dưỡng ở mức tối ưu có khả năng kháng bệnh tốt nhất, trái lại, nguy cơ nhiễm bệnh tăng lên nếu tình trạng dinh dưỡng lệch khỏi mức tối ưu này. Việc bón phân vượt mức cần thiết sẽ gây ra tác động tiêu cực đến sự phát triển của cây cũng như sự thiếu hụt một nguyên tố nào đó.

chat dinh duong giup cay han che sau benh

“Đất miễn dịch” là loại đất có khả năng ngăn cản sự hình thành mầm bệnh.

Một số chất dinh dưỡng thiết yếu giúp cây tăng khả năng chống lại sâu bệnh gồm: Nitơ, Phốt pho, Kali, Canxi.

2.1. Vai trò của Nitơ (Đạm)

Nitơ có vai trò đảm bảo sự sinh trưởng và phát triển của cây, từ đó ảnh hưởng đến tính mẫn cảm của cây đối với nhiều loại bệnh. Rễ cây hấp thụ Nitơ ở dạng NO3ˉ, NH4+.

Những cây khỏe mạnh với tốc độ tăng trưởng nhanh thường nhạy cảm hơn với các ký sinh trùng bắt buộc (hay còn gọi là holoparasite) - là những sinh vật ký sinh mà chúng không thể hoàn thành chu trình sống nếu không khai thác được dinh dưỡng từ vật chủ phù hợp. Ngoài ra, còn có một số mầm bệnh tấn công cực kỳ quyết liệt vào những cây khỏe mạnh.

2.2. Phốt pho (Lân)

Phốt pho là một trong những nguồn dinh dưỡng thiết yếu, giúp thúc đẩy sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, đồng thời giúp cây khỏe hơn, chống lại nhiều bệnh hại nguy hiểm chẳng hạn như bệnh sương mai.

2.3. Vai trò của Kali

Kali đem lại cho cây trồng rất nhiều công dụng, trong đó nổi bật nhất là:

- Cải thiện số lượng và chất lượng protein, góp phần nâng cao chất lượng nông sản.

- Giảm tỷ lệ mắc bệnh ở cây, giảm căng thẳng phi sinh học, nhất là căng thẳng lạnh, giúp cây chịu rét tốt hơn.

- Hạn chế sự xâm nhập của mầm bệnh, kích thước vết bệnh và mật độ vi nấm.

- Kích thích quá trình chữa lành vết thương.

- Làm chậm quá trình chín và lão hóa của quả.

Như vậy, nói một cách đơn giản thì tỷ lệ mắc bệnh ở cây trồng sẽ giảm đi nếu chúng ta cung cấp đủ Kali cho cây.

2.4. Vai trò của Canxi

Canxi giúp thành tế bào vững chắc, tăng cường khả năng chịu đựng sự tấn công của mầm bệnh. Nếu cây thiếu hụt Canxi, tế bào rất dễ bị nấm hại xâm nhập, nhiễm các bệnh ký sinh trùng (như là nấm Botrytis) trước khi thu hoạch và tăng tỷ lệ quả bị thối trong thời gian bảo quản.

Tóm lại, biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh cho cây là đặt yếu tố dinh dưỡng và sức khỏe của cây lên hàng đầu, sau đó mới là chống lại sâu bệnh. Để tăng sức đề kháng cho cây, chúng ta cần thực hiện song song cả 2 việc đó là đảm bảo độ phì nhiêu của đất và phun phân bón lá phù hợp theo từng thời kỳ sinh trưởng của cây.

Biên tập bởi Agmin.vn

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

popup

Số lượng:

Tổng tiền: