Kiến Thức Nông Nghiệp

Nấm rễ cộng sinh Mycorrhizae là gì? Lợi ích và cách sử dụng

08/08/2023 Agmin.vn 0 Nhận xét

Nấm rễ cộng sinh Mycorrhizae là một biện pháp kiểm soát sinh học đối với các mầm bệnh trong đất và đồng thời cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng. Nấm Mycorrhizae có vai trò quan trọng trong dinh dưỡng thực vật, khoa học đất và nông nghiệp nói chung. Trong bài viết sau đây, hãy cùng Agmin tìm hiểu lợi ích và cách sử dụng nấm Mycorrhizae.

1. Nấm rễ cộng sinh Mycorrhrizea là gì?

Mycorrhizae (hay Mycorrhizal) là một nhóm nấm cộng sinh với rễ cây, tức là đôi bên cùng có lợi. Ban đầu, Mycorrhizae tự bám vào rễ cây và sau đó phát triển thành một hệ thống sợi nấm dày đặc bên trong đất.

nam re cong sinh mycorrhrizae

Nấm Mycorrhizae cộng sinh trong vùng rễ cây.

2. Có mấy loài nấm Mycorrhizae?

Có hai loài Mycorrhizae chiếm ưu thế đó là: Ecto và Endo.

2.1. Nấm nội cộng sinh Endomycorrhizae

Nhóm nấm Endomycorrhizae còn được gọi là AM (arbuscular mycorrhizal), chúng có vai trò rất quan trọng đối với các loại cây thân thảo, bao gồm hoa màu và các loài cỏ. Sợi nấm của chúng có hình dạng giống như những túi nước tí hon. Mặc dù đặc tính sinh trưởng của loài nấm này là xâm nhập vào tế bào rễ nhưng chúng không hề gây hại cho cây.

2.2. Nấm ngoại cộng sinh Ectomycorrhizae

Ectomycorrhizae chủ yếu cộng sinh trên các loài cây thân gỗ và cây bụi. Chúng sinh trưởng giữa các tế bào rễ và tạo thành lớp phủ xung quanh rễ cây. Khác với Endomycorrhizae, nhóm Ectomycorrhizae không xâm nhập vào tế bào rễ.

3. Lợi ích của nấm Mycorrhizae

loi ich cua nam mycorrhrizae

Sự khác biệt giữa rễ cây có Mycorrhrizae bao phủ và không có Mycorrhrizae.

3.1. Hỗ trợ cây trồng hấp thụ nước và dinh dưỡng

Hệ thống sợi nấm Mycorrhizae làm tăng diện tích hấp thụ của rễ cây từ 10 đến 1.000 lần, do đó cải thiện đáng kể khả năng hút nước và khoáng chất của cây. Đổi lại, nấm Mycorrhizae nhận được từ cây nguồn thức ăn bao gồm carbohydrate, protein và đường.

Mycorrhizae tổng hợp và vận chuyển cho cây tất cả 15 chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng thiết yếu. Bên cạnh đó, các hoạt chất hóa học do Mycorrhizae tiết ra có khả năng hòa tan các chất dinh dưỡng khó tiêu chẳng hạn như là Phốt pho, để cây hấp thụ dễ dàng hơn. Điều này đặc biệt quan trọng đối với dinh dưỡng thực vật và giải thích tại sao đối với cây trồng không có Mycorrhizae cộng sinh, chúng ta phải cung cấp nhiều dưỡng chất hơn để đảm bảo cây khỏe mạnh.

Hơn nữa, hệ thống sợi nấm Mycorrhizae còn giúp cây hấp thụ và lưu trữ nước thuận lợi hơn. Đặc biệt trong hoàn cảnh không được tưới tiêu, những cây cộng sinh với Mycorrhizae thường chống chịu với căng thẳng nhiệt tốt hơn nhiều so với những cây không cộng sinh.

Cây trồng không chỉ hưởng lợi khi có sự cộng sinh của nấm Mycorrhizae mà mặt khác, nếu không có nấm Mycorrhizae, sức sống của cây cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Mycorrhizae có mặt trong các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và các chương trình canh tác hữu cơ; có tác dụng hiệu quả trong quản lý sức đề kháng; phân hủy tàn dư thực vật thành các dưỡng chất hữu ích cho cây; đồng thời không gây ngộ độc và làm cháy lá thực vật.

3.2. Tăng khả năng chống chịu bệnh của cây trồng

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nấm Mycorrhizae có khả năng kiểm soát bệnh hiệu quả, chúng tạo ra một rào cản vật lý giữa mầm bệnh và rễ cây.

Mycorrhizae cạnh tranh với mầm bệnh để hấp thu các chất dinh dưỡng thiết yếu; kích thích thực vật sản xuất các chất chuyển hóa làm tăng sức đề kháng với bệnh tật; và kích thích rễ tiết ra các chất hóa học khác để ngăn chặn hoạt động gây bệnh.

4. Vì sao cần cấy nấm Mycorrhizae cho vùng rễ?

Nấm Mycorrhizae luôn tồn tại tự nhiên trong đất. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến cho mật độ nấm Mycorrhizae trong tự nhiên bị giảm sút là do các hoạt động làm xáo trộn cấu trúc đất như là: khai thác mỏ, xây dựng hoặc xói mòn; xử lý bằng axit hoặc hóa chất mạnh; dư lượng thuốc trừ sâu, nhiệt độ quá cao, hạn hán hoặc lũ lụt; mất oxy do đổ nhựa đường, bê tông, quy hoạch giao thông. Trong các khu vườn nhà, sự giảm sút Mycorrhizae chủ yếu là do sử dụng chất khử trùng mạnh, đất ngập úng thiếu oxy và bón phân quá mức.

5. Cách sử dụng nấm Mycorrhizae 

Nấm Mycorrhizae được sử dụng phổ biến dưới dạng chế phẩm sinh học, nhất là dùng trong mô hình nhà kính hoặc các loài cây được cấy ghép như cà chua và một số loại rau khác.

Nếu sử dụng Mycorrhizae với mục đích kiểm soát mầm bệnh hơn là phòng ngừa, thì tốt nhất là điều trị nhiễm trùng sớm. Nếu sử dụng Mycorrhizae quá muộn thì không đem lại hiệu quả cao.

5.1. Sử dụng nấm Mycorrhizae trong khí canh

Khí canh là hình thức trồng cây trong môi trường không khí hoặc sương mù mà không cần sử dụng đất. Điểm đặc biệt là phần rễ lơ lửng trong không trung và hoàn toàn không được nhúng vào dung dịch dinh dưỡng như mô hình thủy canh thông thường khác. Rễ cây phát triển bằng cách hấp thụ dưỡng chất từ dung dịch dinh dưỡng thông qua hệ thống phun sương.

mo hinh canh tac khi canh

Mô hình canh tác khí canh.

Đối với khí canh, chế phẩm Mycorrhizae dạng lỏng được thêm vào dung dịch dinh dưỡng và chúng ta có thể quan sát sự phát triển của nấm trên bề mặt rễ. Một điều lưu ý là cần lọc cặn ra khỏi dung dịch trước khi sử dụng để tránh tình trạng hệ thống phun bị tắc nghẽn.

5.2. Sử dụng nấm Mycorrhizae khi cấy cây con vào chậu

- Rắc trực tiếp chế phẩm Mycorrhizae dạng hạt nhuyễn hoặc tưới chế phẩm dạng lỏng vào hố trồng sao cho rễ tiếp xúc được với nấm.
- Đối với một số loại chế phẩm dạng túi phân hủy sinh học, chúng ta có thể chôn nó vào hố trồng, nhờ vậy cây hưởng lợi nhanh chóng hơn.

- Đối với các loại chế phẩm dạng hạt to, cần ngâm trong nước vài giờ để giải phóng và kích hoạt vi sinh vật. Chúng ta thực hiện bằng cách bỏ các hạt chế phẩm vào 1 chiếc tất hoặc miếng vải lọc và ngâm nó trong nước. Dung dịch này được dùng để tưới đất trong thời gian diễn ra mùa vụ.

5.3. Sử dụng nấm Mycorrhizae để trộn giá thể

Trên thị trường có bán nhiều loại giá thể trộn sẵn chứa nấm Mycorrhizae. Trong trường hợp sử dụng loại giá thể trộn đất, chúng ta có thể bón thêm cho đất một lượng lớn các hạt Mycorrhizae hoặc rắc lên mặt đất giống như dùng phân bón dạng hạt. Nhờ đó, gia tăng mật độ vi sinh vật có lợi để kháng mầm bệnh.

Vỏ cây, đất sét nung, đất sét nở và đá perlite (đá trân châu) thoáng khí tốt. Than bùn và đá vermiculite (đá vơ mi) giữ ẩm nhiều hơn và cho phép không khí lưu thông tốt hơn cát. Mycorrhizae hiếu khí, có nghĩa là chúng cần oxy. Chúng có thể phát triển trong môi trường kỵ khí hoặc giảm oxy nhưng quần thể của chúng bị giảm đáng kể trong những môi trường này. Vì vậy tốt nhất là chúng ta không để giá thể úng nước quá lâu.

5.4. Sử dụng nấm Mycorrhizae để pha dung dịch hồ rễ cho cây con rễ trần

Mycorrhizae tương thích với hầu hết các loại bột kích rễ và gel siêu hút ẩm phổ biến trên thị trường. Do đó, chúng ta có thể bổ sung chúng vào dung dịch hồ rễ để nhúng rễ các giống cây con rễ trần. 

5.5. Sử dụng nấm Mycorrhizae cho khối giá thể gieo hạt

Khối giá thể gieo hạt là những loại giá thể được thiết kế thành dạng khối vuông, dùng để gieo hạt trong thủy canh, khí canh hoặc trồng đất. Ưu điểm chung của khối vuông giá thể là nhỏ, nhẹ, giữ ẩm tốt và thoát nước nhanh.

Cây con phát triển trong khối giá thể bông khoáng.

Về cơ bản, có 4 loại khối vuông gieo hạt là: bông khoáng (rockwool), oasis, organo và than bùn. Trong đó, bông khoáng là loại được sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam, tìm mua dễ dàng trên các sàn thương mại điện tử. Nhìn chung, khối bông khoáng có giá thành rẻ và dễ sử dụng.

Sau khi đã hoàn tất bước xử lý khối bông khoáng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, chúng ta tiến hành gieo hạt và bón chế phẩm Mycorrhizae. Cuối cùng, nhẹ nhàng phủ lên hạt một ít bông khoáng.

5.6. Sử dụng nấm Mycorrhizae cho đất cát

Một vài loài Mycorrhizae, nhất là Glomus sp., hoạt động rất tốt trong môi trường đất cát. Chúng ta chỉ cần cấy Mycorrhizae vào đất cát theo hướng dẫn trên bao bì. Tuy nhiên cần lưu ý trong việc chọn thức ăn cho Mycorrhizae. Phân trà và các loại phân xanh khác có pH thấp cho nên không tốt cho sự phát triển của Mycorrhizae. Tương tự như vậy, việc sử dụng mật đường và các loại đường khác làm thức ăn cho Mycorrhizae có thể kích thích hoạt động của mầm bệnh. Nguồn thức ăn hữu ích nhất cho Mycorrhizae là cacbon trong Axit Humic, đồng thời cấu trúc đất cát cũng được cải tạo tốt hơn khi có Axit Humic.

5.7. Sử dụng nấm Mycorrhizae cho mùn cưa

Nấm Mycorrhizae cũng có thể hoạt động tốt trong mùn cưa. Nên ngâm mùn cưa trong dung dịch dinh dưỡng 48 giờ trước khi trồng cây. Trộn sẵn Mycorrhizae trong mùn cưa hoặc bón vào vùng rễ cây đều được.

5.8. Sử dụng nấm Mycorrhizae cho hạt giống

Hạt giống có thể tiếp xúc trực tiếp với nấm Mycorrhizae. Nhờ đó, chúng ta sẽ sớm bảo vệ rễ non khỏi sự tấn công của các mầm bệnh gây thối rễ như Pythium và Phytophthora. Tuy nhiên, trong trường hợp sử dụng thuốc diệt nấm để xử lý hạt giống thì phải chắc chắn rằng Mycorrhizae tương thích với loại thuốc đó. Bổ sung Axit Humic để cung cấp cacbon làm thức ăn cho Mycorrhizae. Không sử dụng nguồn cung cấp cacbon khác ngoài danh mục khuyến nghị của nhà sản xuất chế phẩm, nếu không sẽ tạo điều kiện cho nấm hại phát triển.

Trên thực tế, tỉ lệ Mycorrhizae che phủ rễ phải đạt từ 40 đến 80%, như vậy mới có thể bảo vệ cây hiệu quả nhất.

Lưu ý: Trên đây là một số gợi ý chung trong việc sử dụng nấm Mycorrhizae, tùy theo mỗi chế phẩm mà nhà sản xuất sẽ đưa ra hướng dẫn sử dụng riêng biệt.

6. Tiêu chí chọn mua chế phẩm nấm Mycorrhizae

Dưới đây là một số công dụng và thông số cần quan tâm khi chọn mua chế phẩm Mycorrhizae.

  • Thứ nhất: Sản phẩm có công thức ổn định:

Hiện nay, sản phẩm thường được đóng gói dưới dạng bột mịn, chất lỏng hoặc túi nhỏ phân hủy sinh học, sử dụng dễ dàng và nhanh chóng. Các dạng công thức khô có thời hạn sử dụng từ 16-18 tháng hoặc 2 năm. Tránh mua các sản phẩm đòi hỏi phải làm lạnh hoặc xử lý phức tạp trước khi sử dụng.

  • Thứ hai: Kết hợp nhiều loài Mycorrhizae trong 1 sản phẩm:

Sản phẩm bao gồm nhiều loài Mycorrhizae có tác dụng chống lại mầm bệnh tốt hơn và lâu hơn so với 1 loài riêng lẻ. Hơn nữa, các sản phẩm chứa hỗn hợp Ectomycorrhizae và Endomycorrhizal áp dụng được cho nhiều loại cây trồng hơn là sản phẩm chỉ chứa 1 trong 2 loài này. Tuy nhiên, lưu ý rằng nấm Mycorrhizea không có tác dụng đối với củ cải đường, bông cải xanh và cải canola.

  • Thứ ba: Thành phần sản phẩm:

Phân tích thành phần cho chúng ta biết số lượng bào tử hoặc đơn vị hình thành khuẩn lạc (CFU). CFU là đơn vị ước tính số lượng vi khuẩn hoặc tế bào nấm khả thi trong 1 mẫu nhất định. Khả thi được định nghĩa là khả năng nhân lên thông qua quá trình phân hạch nhị phân ở điều kiện kiểm soát. Do đó, các chỉ số này càng cao thì càng có nhiều “hạt giống” Mycorrhizea được cấy vào rễ cây.

  • Thứ tư: Thời hạn sử dụng lâu dài:

Thời hạn sử dụng liên quan đến sức sống và khả năng hoạt động của nấm Mycorrhizae. Sản phẩm có thời hạn sử dụng càng lâu thì càng thuận tiện cho việc canh tác.

  • Thứ năm: Nhà sản xuất uy tín:

Tham khảo các nhiều nguồn thông tin khác nhau (báo chí, mạng xã hội, người quen) để chọn ra nhà sản xuất uy tín đã tồn tại lâu năm trên thị trường.

  • Thứ sáu: Sản phẩm hoạt động trong phạm vi nhiệt độ rộng:

Nên chọn các sản phẩm hoạt động trong phạm vi nhiệt độ rộng. Giống như nhiều vi sinh vật khác, nấm Mycorrhrizae bất hoạt, suy yếu hoặc thậm chí là chết khi gặp điều kiện nhiệt độ bất lợi. Do đó, nhà sản xuất thường trộn các loài Mycorrhizae có điểm nhiệt độ bất hoạt khác nhau nhằm kéo dài thời gian hoạt động của sản phẩm.

  • Cuối cùng: Sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ:

Sản phẩm thích hợp dùng trong canh tác hữu cơ, không chứa mầm bệnh gây hại cho con người, sinh vật biến đổi gen.

Bên cạnh nấm đối kháng Trichoderma, nấm rễ cộng sinh Mycorrhizea là một biện pháp sinh học an toàn và hữu ích trong việc bảo vệ cây trồng khỏi sự xâm nhập của nấm bệnh và tổng hợp các dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển của cây. Bằng cách sử dụng Mycorrhizea một cách hợp lý và điều độ, chúng ta hoàn toàn có thể cải thiện chất lượng đất cũng như giảm tải các loại hóa chất độc hại và tốn kém.

Biên tập bởi Agmin.vn

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

popup

Số lượng:

Tổng tiền: