Kiến Thức Nông Nghiệp

Phân hữu cơ: Khái niệm, lợi ích và tiêu chuẩn đánh giá chất lượng

26/05/2023 Agmin.vn 0 Nhận xét

Phân hữu cơ là gì? Hiện nay, trên thị trường có đến hàng trăm, hàng ngàn nhãn hiệu phân hữu cơ khác nhau. Vì vậy, để giúp bà con nắm được các thông tin cơ bản về phân hữu cơ, lợi ích cũng như các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của phân hữu cơ trước khi đưa ra lựa chọn phù hợp nhất với loại cây trồng và điều kiện đất canh tác, Agmin mời bà con tham khảo nội dung bài viết sau đây.

1. Phân hữu cơ là phân gì?

Phân hữu cơ là những hợp chất hữu cơ được vi sinh vật phân hủy, có nguồn gốc hình thành từ chất thải của người hoặc động vật, tàn dư thực vật, than bùn và rác thải hữu cơ từ nhà bếp. Quá trình tạo ra phân hữu cơ được gọi là quá trình “làm phân trộn”.

Phân bón hữu cơ giúp cải tạo đất, bổ sung cho đất một lượng lớn mùn, vi sinh vật hữu ích, các chất dinh dưỡng giúp đất tơi xốp, thoáng khí, tăng độ phì nhiêu, phân giải các độc tố trong đất.

phân hữu cơ là gì

2. Lợi ích của phân bón hữu cơ

lợi ích của phân hữu cơ

Một số lợi ích nổi bật của phân hữu cơ là:

- Cải thiện cấu trúc đất

- Cải thiện khả năng giữ nước của đất

- Tăng khả năng trao đổi cation (CEC) của đất

- Bổ sung chất dinh dưỡng cho thực vật

- Giúp cây hấp thụ vi lượng dễ dàng hơn

- Tăng cường hoạt động của vi sinh vật trong đất

2.1. Cải thiện cấu trúc đất

Chất hữu cơ bị phân hủy liên kết các hạt đất lại với nhau, từ đó tạo thành các khối đất. Đối với đất sét, chất mùn có trong phân hữu cơ sẽ bao quanh các hạt đất sét và khiến chúng kết tụ lại thành những khối lớn hơn. Từ đó, phân hữu cơ giúp cải thiện khả năng sục khí và thấm nước của đất, tạo điều kiện cho rễ cây phát triển, đồng thời giảm tình trạng đất nứt nẻ do nhiễm mặn (nồng độ natri trong đất ở mức cao).

2.2. Cải thiện khả năng giữ nước của đất

Lợi ích của việc bón phân hữu cơ trong thời gian dài giúp tăng khả năng giữ nước, giữ ẩm của đất. Nhờ đó, giúp bà con hạn chế việc phải tưới nước thường xuyên.

2.3. Cung cấp chất dinh dưỡng cho cây

Hầu hết các loại phân hữu cơ đều chứa các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây, chẳng hạn như Nitơ, Phốt pho, Kali, Sắt, Đồng, Kẽm và Bo. Tuy nhiên, phân bón hữu cơ chỉ cung cấp một lượng vừa phải các chất dinh dưỡng cho cây, không thể đáp ứng đầy đủ và cân đối toàn bộ nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng thương mại.

Ngoài nồng độ chất dinh dưỡng tương đối thấp, phân hữu cơ còn cần một thời gian dài (tính bằng tháng hoặc năm) để có thể giải phóng dinh dưỡng cho cây. Do đó, chỉ có sẵn một lượng nhỏ chất dinh dưỡng để cây hấp thụ sau khi bón phân hữu cơ.

Chất dinh dưỡng Phạm vi tối ưu điển hình (% trọng lượng khô)
Nitơ (N) 1-2
Phốt pho (P) 0.3-0.9
Kali (K) 0.5-1.5
Canxi (Ca) 1.5-3.5
Magie (Mg) 0.25-0.7
Lưu huỳnh (S) 0.25-0.8

2.4. Giúp cây hấp thụ vi lượng dễ dàng hơn

Một lợi ích quan trọng khác của phân bón hữu cơ đó là giúp cây hấp thụ các chất dinh dưỡng vi lượng một cách hiệu quả. Chất humic trong phân hữu cơ kết hợp với các vi chất dinh dưỡng trong đất để tạo thành phức hợp chelate. Vai trò của phức hợp chelate là bảo vệ các vi lượng khỏi quá trình oxy hóa hay kết tủa trong dung dịch đất. Từ đó, giúp vi lượng được bảo toàn tốt hơn, cây dễ hấp thụ dinh dưỡng hơn.

3. Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của phân hữu cơ

Độ ẩm, hàm lượng chất hữu cơ, tỷ lệ C:N, độ mặn là những tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của phân hữu cơ mà bà con cần lưu ý.

tiêu chuẩn chất lượng phân hữu cơ

3.1. Độ ẩm

Độ ẩm lý tưởng của phân hữu cơ là từ 40% đến 60%.

  • Độ ẩm thấp hơn sẽ hạn chế hoạt động của vi sinh vật và làm cho quá trình phân hủy diễn ra chậm hơn.
  • Độ ẩm cao hơn tạo ra điều kiện yếm khí và khiến cho phân hữu cơ có mùi hôi.

3.2. Hàm lượng chất hữu cơ

Thành phần của phân bón hữu cơ ở dạng khô phải chứa từ 25% đến 65% chất hữu cơ.

  • Hàm lượng chất hữu cơ ít hơn 25% có thể là do cát hoặc đất đã được trộn vào phân.
  • Hàm lượng chất hữu cơ trên 65% cho thấy quá trình phân hủy chưa hoàn tất.

3.3. Tỷ lệ C:N

Đây là tỷ lệ tổng lượng carbon so với tổng lượng nitơ trong phân ủ, được xác định trên cơ sở trọng lượng khô. Ví dụ, tỷ lệ C:N là 30:1 có nghĩa là phân hữu cơ chứa lượng Cacbon gấp 30 lần so với lượng Nitơ.

Tỷ lệ C:N là một trong những yêu cầu đầu vào quan trọng nhất để tạo ra được phân hữu cơ chất lượng. Bởi vì, các vi sinh vật sử dụng carbon làm nguồn năng lượng và nitơ làm khối xây dựng protein, cho nên chúng cần nhiều cacbon hơn nitơ, tỷ lệ C:N lý tưởng là từ 25:1 đến 30:1.

  • Tỷ lệ C:N cao hơn 40:1 khiến cho quá trình phân hủy diễn ra chậm và thời gian ủ lâu hơn, nguyên nhân là vì không có đủ nitơ cho vi sinh vật phát triển. Nếu bón phân hữu cơ có tỷ lệ C:N cao, các vi sinh vật trong đất sẽ phải tìm các nguồn nitơ bổ sung để tiêu thụ vật liệu được ủ. Điều này hạn chế khả năng di chuyển của nitơ trong đất, dẫn đến tình trạng không đủ nitơ để cây hấp thụ.
  • Tỷ lệ C:N thấp hơn 20 có nghĩa là phân hữu cơ chứa nhiều nitơ hơn so với carbon. Lượng nitơ dư thừa này sẽ thoát vào khí quyển dưới dạng khí amoniac, khiến cho phân trộn có mùi hôi. Trong trường hợp này, bà con cần bón đất loại phân có tỷ lệ C:N thấp để cung cấp nitơ sẵn có cho cây.

Lưu ý: Phân hữu cơ chứa lượng lớn nguyên liệu xanh (rau quả thừa, lá cây tươi) có tỷ lệ C:N thấp; Phân hữu cơ chứa nhiều nguyên liệu khô (mụn dừa, vỏ cây, vỏ trấu, cỏ khô, rơm rạ) có tỷ lệ C:N cao hơn.

3.4. Độ mặn

Vật liệu ủ chứa muối ở dạng ion khoáng. Do tính nhạy cảm với muối của mỗi loại cây trồng là khác nhau, cho nên hàm lượng muối trong phân trộn thường không ảnh hưởng đến tỷ lệ bón phân hữu cơ. Dẫu vậy, phân hữu cơ có EC từ 0-2 ds/m được xem là thích hợp với mọi tỷ lệ bón. Phân hữu cơ có EC từ 2-4 ds/m được sử dụng với tỷ lệ bón vừa phải và nếu là EC lớn hơn 4 ds/m thì phải xem xét kỹ lưỡng trước khi sử dụng.

Trên đây là các thông tin liên quan đến phân hữu cơ, Agmin hy vọng rằng bài viết đã giúp bà con hiểu rõ hơn về lợi ích và tiêu chuẩn chất lượng của loại phân bón hữu cơ, giúp bà con dễ dàng hơn trong việc lựa chọn loại phân bón phù hợp.

Biên tập bởi Agmin.vn

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

popup

Số lượng:

Tổng tiền: