Kiến Thức Nông Nghiệp

Ngộ độc Nhôm ở cây trồng: nguyên nhân và cách khắc phục

28/03/2023 Agmin.vn 0 Nhận xét

Nhôm ở nồng độ cao gây ngộ độc cho cây trồng, làm hạn chế khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và nước của cây, từ đó khiến cho cây sinh trưởng và phát triển kém. Vậy triệu chứng ngộ độc nhôm ở cây ra sao? Và làm cách nào để khắc phục độc tính của nhôm? Agmin mời bà con tham khảo nội dung ngay sau đây.

1. Độc tính của Nhôm đối với cây

Nhôm không phải là chất dinh dưỡng và nó có thể khiến cây trồng bị ngộ độc.

Nhôm là nguyên tố kim loại có hóa trị +3 và cũng là nguyên tố phổ biến thứ 3 trong vỏ trái đất. Mặc dù đã có một số nghiên cứu chỉ ra rằng, nhôm đem lại những lợi ích nhất định đối với cây trồng, nhưng về cơ bản thì nó không phải là chất dinh dưỡng và quan trọng hơn hết, nó có thể khiến cho thực vật bị ngộ độc, làm hạn chế năng suất cây trồng trong môi trường đất chua (là loại đất chứa nhiều axit, độ pH thấp hơn hoặc bằng 6.5).

Trong đất, nhôm chủ yếu tồn tại dưới dạng các khoáng chất như là aluminosilicat (ví dụ: fenspat, kaolinit) và oxit nhôm (ví dụ: gibbsite). Nhôm được giải phóng khỏi các khoáng chất sơ cấp trong quá trình phong hóa và kết tủa dưới dạng khoáng chất thứ cấp. Do mang điện tích dương, nhôm có khả năng liên kết với các hạt đất, đặc biệt là hạt đất sét và chất hữu cơ (phức hợp trao đổi).

Nhôm trở nên hòa tan trong môi trường đất chua. Điều này đồng nghĩa với việc, khi độ pH dưới 5,5, nồng độ nhôm hòa tan trong dung dịch đất sẽ tăng lên. Nhôm Al3+ (hay Al(H2O)63+) là yếu tố gây độc hại nhất đối với cây trồng khi đất chua. Dù vậy, trong một số trường hợp, nhôm vẫn có thể liên kết với các phối tử khác nhau trong dung dịch đất và trở nên ít độc hơn.

Đất nhiệt đới và đất rừng thường mang tính axit, vì vậy mà chúng có hàm lượng nhôm hòa tan cao.

2. Triệu chứng cây bị ngộ độc Nhôm

Ở nồng độ từ 2-5 ppm, nhôm bắt đầu gây ngộ độc đối với nhiều loại cây trồng. Cụ thể, triệu chứng ngộ độc nhôm trên cây như sau:

- Đầu tiên, nhôm xâm nhiễm vào hệ thống rễ, khiến rễ bị ngộ độc, làm giảm sự phân chia tế bào và ức chế sự phát triển của rễ. Đầu rễ bị biến dạng và giòn, dễ gãy. Ngoài ra, nhôm còn ức chế hoạt động của các enzym dự trữ đường trong thành tế bào, làm giảm sự hình thành và vận chuyển cytokinin (một loại hormone thực vật thúc đẩy sự phân chia tế bào), làm giảm sự hình thành DNA, đồng thời làm thay đổi cấu trúc và chức năng của màng tế bào. Từ đó, khiến cho chức năng hấp thụ và vận chuyển nước, chất dinh dưỡng của màng tế bào bị suy giảm.

- Độc tính của nhôm có thể gây ra sự mất cân bằng dinh dưỡng và hạn chế sự hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu như canxi, phốt pho magiê, kali, mangan, sắt và kẽm.

- Lá nhỏ, sẫm màu, chóp lá bị hoại tử, lá non cong vẹo và các điểm sinh trưởng chết do thiếu hụt canxi.

- Thân cây còi cọc và chuyển sang màu tía.

Rễ cây mía phát triển kém do bị ngộ độc nhôm trong môi trường đất chua.

>>> Xem thêm: Triệu chứng thiếu hụt dinh dưỡng ở cây trồng.

3. Cây trồng có thể chống chịu độc tính của Nhôm không?

Câu trả lời là “Có”, tuy nhiên không phải giống cây nào cũng có khả năng tự đào thải độc tính của nhôm.

Theo các cuộc nghiên cứu về khả năng kháng độc nhôm của thực vật, một số loài cây hoàn toàn có thể chống chịu độc tính của nhôm và loại bỏ nhôm ra khỏi bộ rễ của chúng bằng cách giải phóng các axit hữu cơ, chủ yếu là citrate, malate và oxalate, để trung hòa độc tính của nhôm. Các axit hữu cơ này sẽ liên kết với nhôm để tạo thành các phức hợp không độc hại. Citrate và malate tồn tại trong tất cả các tế bào thực vật vì chúng tham gia vào chu trình hô hấp của ty thể. Oxalate là thành phần tế bào nồng cốt liên quan đến cân bằng ion, điều hòa Ca2+ và giải độc kim loại.

Các loài cây có khả năng chống chịu ngộ độc nhôm sẽ hấp thụ dinh dưỡng, chẳng hạn như Ca và P tốt hơn là các loài không có khả năng chống chịu.

Ngoài ra, như đã đề cập ở trên, với nồng độ nhỏ, nhôm vẫn có thể đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của cây trồng. Tuy nhiên, chưa có đủ bằng chứng chi tiết cho vấn đề này.

Khả năng chống chịu độc tính nhôm của một số loài cây:

Khả năng bị ngộ độc Nhôm ở mức cao

Khả năng bị ngộ độc Nhôm ở mức tương đối

Có khả năng chống chịu độc tính của Nhôm

Lúa mạch

Cỏ linh lăng

Kiều mạch

Củ cải đường

Bắp cải

Ngô

Rau xà lách

Yến mạch

Trà

Đậu

Củ cải (đỏ hoặc trắng)

 

Đậu nành

Lúa mạch đen

 

Lúa mì

Cao lương (cây bo bo)

 

4. Khắc phục nhiễm độc Nhôm cho cây như thế nào?

Sau đây là một số biện pháp giúp làm giảm độc tính của nhôm đối với cây trồng:

- Tăng độ pH của đất – Cải thiện độ pH của đất chua bằng cách bón vôi hoặc các vật liệu vôi khác. Tuy nhiên, đối với những vùng đất có tính axit cao, quá trình cải thiện độ pH sẽ phải tốn nhiều thời gian và chi phí.

- Trồng các giống cây có khả năng chịu độc tố nhôm.

- Bón các chất dinh dưỡng cần thiết, chẳng hạn như canxi, magiê, lưu huỳnh, phốt pho, bo và silic để cân bằng dinh dưỡng cho cây, giúp cây tăng sức đề kháng, khỏe mạnh hơn.

- Sử dụng phân bón sinh học, chẳng hạn như nấm mycorrhizal và các loại vi khuẩn thúc đẩy sinh trưởng thực vật.

Biên tập bởi Agmin.vn

Tags: ngộ độc nhôm

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

popup

Số lượng:

Tổng tiền: