Kiến Thức Nông Nghiệp

Cách phòng trừ một số côn trùng gây hại cây nho

11/02/2023 Agmin.vn 0 Nhận xét

Ngoài dịch bệnh, côn trùng phá hoại cũng là một vấn đề “nhức nhối” khiến cây nho suy yếu, nhiễm bệnh, sụt giảm năng suất và chất lượng thương phẩm. Do đó, trong bài viết sau đây, Agmin mời bà con tham khảo một số biện pháp tiêu diệt và phòng trừ hiệu quả các loài côn trùng gây hại cây nho.

1. Bọ trĩ

Bọ trĩ gây hại trên nhiều loại cây trồng bằng cách dùng miệng đục thủng vào bộ phận non của cây.

Bọ trĩ phá hoại cây nho.

Triệu chứng:

- Bọ trĩ trưởng thành và nhộng của chúng đều kiếm ăn trên cây nho bằng cách dùng miệng đục thủng mặt dưới của lá, rồi hút nhựa cây. Vết cắn của bọ trĩ tạo thành vô số chấm nhỏ li ti màu bạc trên lá.

- Khi bị bọ trĩ chích hút quá nhiều, lá bắt đầu kiệt sức, cong queo và cuộn lại.

- Ngoài lá, quả nho chín và hoa cũng bị bọ trĩ tấn công. Những quả bị ảnh hưởng có lớp vỏ sần sùi, đổi màu, ăn không ngon nên bán với giá rất thấp.

Cách phòng trừ:

- Vệ sinh vườn nho: Thường xuyên nhổ bỏ cỏ dại, dọn sạch xác cây, rác thải thực vật và những vật dụng không cần thiết để bọ trĩ không có nơi sinh sống.

- Canh tác: Sau khi thực hiện cắt tỉa cây nho vào tháng 4, bà con cần cày bừa đất kỹ lưỡng để đất được thông thoáng, tăng cường oxy, điều hòa chế độ nhiệt và ẩm độ trong đất; hoặc phơi ải đất dưới ánh nắng mặt trời để dùng nhiệt độ tiêu diệt nhộng và một số mầm bệnh khác.

- Thiên địch tự nhiên: Thu hút và nuôi các loài thiên địch của bọ trĩ như: bọ rùa, bọ xít, ong Trichogramma,...

>>> Xem thêm: Mẹo diệt bọ trĩ nhanh chóng và không tốn kém.

2. Rầy xanh ăn lá nho

Rầy xanh ăn lá nho thuộc họ Rầy xanh hay họ Rầy lá (danh pháp khoa học là Cicadellidae).

Rầy xanh hủy hoại lớp biểu bì của lá.

Triệu chứng:

- Ấu trùng của rầy ăn lá nho gây hại bằng cách nhả tơ, kết hai mép lá lại theo chiều dọc thành ống để sinh sống và gây hại bên trong.

- Chúng ăn phần thịt lá, chỉ chừa lại lớp biểu bì khiến lá bị giảm diện tích quang hợp, mất diệp lục tố dẫn đến sinh trưởng kém, nếu chúng tấn công mạnh trên diện rộng, vườn nho bị hại sẽ trở nên xơ xác.

Cách phòng trừ:

- Tỉa bỏ lá gốc hoặc chồi nách trong giai đoạn quả chín và 2 tuần tiếp theo (trước khi rầy trưởng thành) để làm giảm 30-50% số lượng rầy phá hoại. Ngoài ra, tỉa bỏ lá cũng có thể làm tăng hiệu quả của thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, tránh vặt bỏ quá nhiều lá đối với cây nho trồng ở vùng khí hậu ấm vì điều này có thể khiến quả bị cháy nắng.

- Thiên địch tự nhiên của rầy nho rất hiếm, do đó trong trường hợp dịch hại nghiêm trọng, bà con nên phun thuốc trừ sâu.

- Ngoài ra, kiểm soát tốc độ phát triển của dây leo, không để dây leo phát triển quá nhanh cũng là một cách giúp kiểm soát rầy.

3. Ve nhện

Mặc dù được đề cập trong bài viết này, nhưng ve nhện không phải côn trùng mà là một loài nhện rất nhỏ. Chúng tấn công hàng trăm loài cây trồng khác nhau, thường sống ở lá cây, giăng tơ ở đó và chích, hút nhựa cây hoặc ăn các tế bào của cây.

Ve nhện giăng tơ trên lá nho.

Triệu chứng:

- Dấu hiệu nhận biết sự tấn công của ve nhện là những vết cắn màu vàng nhạt mà chúng để lại trên bề mặt lá nho.

- Ve nhện cắn phá và ăn chất diệp lục, khiến lá mất màu xanh, ngả vàng, cây quang hợp kém. Khi cây bị nhiễm trùng nặng hơn, xuất hiện tình trạng cháy lá, lá kiệt quệ và khô héo.

- Nếu quan sát bề mặt những chiếc lá chết khô, bà con sẽ thấy lũ ve nhện kết thành một mạng lưới giống như tơ mịn.

- Thời gian sau, ve nhện bắt đầu phân tán ra để ăn các chồi non và tấn công quả, chúng khiến quả mất độ ngọt, chậm chín, ăn không ngon và mất giá.

Cách phòng ngừa:

- Sau mỗi lần cắt tỉa cây nho, bà con cần thu gom và dọn dẹp sạch sẽ tất cả tàn dư, chất thải thực vật và cỏ dại để ve nhện không còn nơi nương náu. Không chỉ bên trong mà xung quanh vườn nho cũng cần được dọn sạch.

- Phun thuốc trừ sâu bọ theo hướng dẫn của kỹ sư nông nghiệp tại địa phương.

4. Rệp sáp bột hồng

Tên gọi rệp sáp bột hồng là vì cơ thể rệp sáp được bao phủ bởi một lớp bột màu hồng.

Quả nho hư hỏng do bị rệp sáp bột hồng tấn công.

Triệu chứng:

- Rệp sáp bột hồng phát sinh và phá hoại ngay trên lá, thân và chùm nho, chúng gây hại bằng cách chích hút nhựa, khiến cho lá và ngọn chồi bị biến dạng.

- Không chỉ chích hút, rệp trưởng thành và nhộng của chúng còn tiết ra một loại ”mật ngọt” dẫn dụ kiến, nấm bồ hóng tới ký sinh trên cây nho, khiến cây trưởng thành cạn kiệt dinh dưỡng và suy yếu còn cây non thì khó có thể sống sót.

- Những chùm quả dính sáp rệp và nấm bồ hóng mất vị ngon ngọt nên không tránh khỏi tình trạng mất giá. Trong trường hợp nhiễm rệp nghiêm trọng, vườn nho có thể bị “mất trắng” 100%.

Cách phòng trừ:

- Sau khi kết thúc thu hoạch, bà con cần thu gom và tiêu hủy tất cả những chùm, những cây và tàn dư thực vật bị rệp sáp phá hoại.

- Nhổ bỏ cỏ dại và các cây có thể trở thành ký chủ của rệp bên trong lẫn xung quanh vườn nho.

- Phá bỏ tổ kiến (vì kiến cộng sinh với rệp) bằng các biện pháp hữu cơ hoặc thuốc diệt côn trùng.

>>> Xem thêm: Cách diệt rệp an toàn và đơn giản.

Biên tập bởi Agmin.vn

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

popup

Số lượng:

Tổng tiền: