Kiến Thức Nông Nghiệp

Rụng trái trên cây ăn quả có múi: nguyên nhân và biện pháp hạn chế?

02/02/2023 Agmin.vn 0 Nhận xét

Rụng trái là một hiện tượng rất phổ biến trên các loại cây có múi như cam, quýt, bưởi, chanh,... Tuy nhiên, nếu trái rụng quá nhiều sẽ làm giảm năng suất và lợi ích kinh tế của bà con nông dân. Vậy, vì sao trái lại bị rụng sớm và làm cách nào để hạn chế tình trạng này? Hãy cùng Agmin tìm câu trả lời trong bài viết sau đây.

Rụng trái ở cây có múi.

1. Các đợt rụng trái trên cây có múi

Thông thường, cây có múi rụng trái thành từng đợt vào những thời điểm khác nhau, từ khi cây ra hoa cho đến lúc thu hoạch, và điều này cũng còn tùy thuộc vào mỗi giống cây. Tuy nhiên, nhìn chung thì có 3 đợt trái rụng nhiều nhất là: đợt thứ nhất - sau khi cây ra hoa; đợt thứ hai - vào độ tháng 6; đợt thứ ba - trước khi thu hoạch. Cụ thể là:

1.1. Rụng trái đợt đầu tiên sau khi cây ra hoa

Sau thời kỳ hoa nở rộ, quả non bắt đầu hình thành, lúc này cây trồng bước vào giai đoạn chọn lọc trái bằng cách rụng tự nhiên, hay còn gọi là rụng trái sinh lý. Bà con không cần quá lo lắng về số lượng trái sụt giảm, bởi vì đây là kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên, rụng bớt trái sẽ giúp cây giảm bớt gánh nặng, tập trung chất dinh dưỡng để nuôi những trái chất lượng hơn.

1.2. Rụng trái đợi thứ 2 vào đầu mùa hè hoặc tháng 6

Đợt rụng trái này bắt đầu sau khi cây ra hoa từ 1 đến 2 tháng. Vào độ tháng 6, đa phần những cây sai quả là những cây bị rụng trái nhiều nhất, trái bị rụng là những trái phát triển sớm. Số lượng trái rụng thường chiếm khoảng 10% trên tổng số trái trên cây.

Nguyên nhân khiến trái rụng đợt này là do sự cạnh tranh về nguồn dinh dưỡng (tinh bột) giữa các trái non trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Mặc dù, đây được xem là hiện tượng rụng trái tự nhiên trong giai đoạn sinh trưởng của cây có múi, nhưng bà con cần lưu ý, tình trạng cây thiếu nước kết hợp căng thẳng thực vật về nhiệt độ trong mùa hè nóng bức có thể sẽ khiến trái rụng nhiều hơn.

>>> Xem thêm: Căng thẳng thực vật và những điều nhà nông cần lưu ý.

1.3. Rụng trái đợt thứ 3 (trái rụng sớm trước khi thu hoạch)

Đợt rụng trái lần thứ 3 bắt đầu vào tháng 8 và kéo dài cho đến hết mùa thu hoạch, trái rụng là những trái gần chín, sắp đến ngày hái, chỉ có thể vứt bỏ chứ không bán được.

Trước thu hoạch là giai đoạn đặc biệt quan trọng, quyết định đến năng suất và chất lượng toàn mùa vụ. Nguyên nhân trái rụng sớm trong giai đoạn này thường là do tác động của dịch bệnh và côn trùng phá hoại, nhất là loài ruồi đục trái. Bên cạnh đó, điều kiện nhiệt độ thấp và sương mù vào tháng 12 và tháng 1 cũng là tác nhân gây ra tình trạng rụng trái sớm.

2. Các biện pháp hạn chế tối đa rụng trái trên cây có múi

Các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có 3 nguyên nhân chính khiến cây có múi rụng trái sớm là:

  • Rụng trái sinh lý

  • Rụng trái bệnh lý
  • Rụng trái do côn trùng phá hoại

2.1. Biện pháp hạn chế rụng trái sinh lý

Rụng trái sinh lý là kết quả của quá trình cây tự đào thải trái non để giảm bớt "gánh nặng" dinh dưỡng.

Rụng trái sinh lý là hiện tượng cây trồng tự đào thải một số trái khỏi thân của chúng, để chúng có thể chống đỡ trước các căng thẳng sinh lý và điều kiện môi trường bất lợi. Thông thường, trái rụng sinh lý chủ yếu là do các nguyên nhân như sau:

  • Căng thẳng về nước
  • Nhiệt độ khắc nghiệt
  • Thiếu hụt dinh dưỡng
  • Thời gian chịu rét kéo dài
  • Cây yếu ớt, không khỏe mạnh

Biện pháp hạn chế:

  • Điều quan trọng nhất mà bà con cần làm là chăm sóc cây luôn khỏe mạnh, không để cây gặp các tình trạng căng thẳng như là: thiếu nước, ngập úng hay đất không đủ ẩm, vàng lá do thiếu chất dinh dưỡng, bệnh tật và côn trùng phá hoại.
  • Cân bằng dinh dưỡng đa trung vi lượng bằng phân bón Vigor-Lig Plus, để cải thiện sức khỏe lẫn duy trì sản lượng tối ưu của cây. Đặc biệt, trong giai đoạn ra hoa đậu trái, nhu cầu dinh dưỡng của cây là rất lớn, do đó bà có thể phun CanxiBo qua lá để bổ sung Canxi, Boron cho cây, giúp cây đủ sức chống chọi lại tình trạng rụng hoa và rụng trái non.
  • Bố trí hệ thống thoát nước, không để đất bị đọng nước.
  • Trong giai đoạn cây đậu quả, bà con cần tưới đủ nước cho cây vì thiếu nước sẽ đẩy nhanh quá trình sản xuất axit abscisic (một loại hoocmon thực vật) của cây, khiến quả dễ rụng sớm hơn.

2.2. Biện pháp hạn chế rụng trái do bệnh lý

Rụng trái do bệnh lý thường xảy ra vào tháng 8 và kéo dài đến lúc thu hoạch.

Rụng trái do bệnh lý là một trở ngại lớn làm cho sản lượng và chất lượng nông sản sa sút nghiêm trọng nếu bà con không can thiệp và kiểm soát kịp thời.

Rụng trái do bệnh lý thường xảy ra vào tháng 8 và kéo dài đến lúc thu hoạch. Trong đó, lượng trái rụng nhiều nhất là vào mùa thu (từ tháng 9 đến tháng 10), khi mà trái sắp chín và đã hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng từ cây. Một số mầm bệnh phổ biến khiến cho trái rụng là: nấm Colletotrichum gloeosporioides (gây bệnh thán thư), nấm Diplodia natalensis (gây bệnh khô đọt thổi trái) và nấm Alternaria citri (gây bệnh đốm nâu).

Biện pháp hạn chế:

  • Cắt tỉa cây để loại bỏ cành chết, cành bệnh, thối rữa hoặc có nguy cơ lây bệnh cho các cành khác. Tốt nhất là bà con nên cắt tỉa cây vào tháng 1 và tháng 2 sau khi kết thúc mùa thu hoạch.
  • Đối với những cành đã tỉa bỏ, bà con nên đem đi thiêu hủy để hạn chế mầm bệnh lây sang những cây khỏe mạnh.

2.3. Biện pháp hạn chế rụng trái do côn trùng phá hoại

Bọ xít xanh hại cam.

Rất nhiều loài côn trùng gây hại trên trái non, khiến trái hư hỏng và rụng sớm như: nhện, ruồi đục trái, ve chích hút, bọ xít xanh,... Chúng không chỉ tấn công cây, làm giảm khả năng ra hoa và đậu quả mà còn khiến trái non sần sùi, méo mó, da cám và rơi rụng.

Biện pháp hạn chế:

  • Vệ sinh vườn cây, loại bỏ và tiêu hủy những trái bị ruồi đục là các phương pháp hiệu quả để bà con kiểm soát loài côn trùng này.
  • Trái rụng phải được xử lý đúng cách, bà con không nên để chúng còn sót lại trong vườn vì có thể thu hút bướm đêm, ruồi đục tới làm tổ và đẻ trứng.

Biên tập bởi Agmin.vn

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

popup

Số lượng:

Tổng tiền: