Kiến Thức Nông Nghiệp

Bí quyết trồng và chăm sóc cây bầu bí sai quả, mùa vụ bội thu

12/02/2023 Agmin.vn 0 Nhận xét

Với đặc tính tương đối dễ trồng, gần như có thể thu hoạch quanh năm, cây họ bầu bí (như là bí đao, bầu, khổ qua hay mướp đắng, bí đỏ, dưa leo, dưa hấu) được rất nhiều bà con nông dân lẫn hộ gia đình gieo trồng. Vậy làm thế nào để cây bầu bí phát triển tốt, sai quả, quả to và nặng trĩu? Bà con hãy cùng Agmin tham khảo một số kinh nghiệm hữu ích trong bài viết sau đây!

1. Điều kiện đất đai và khí hậu

Bí quyết trồng và chăm sóc cây bầu bí

Bí quyết trồng và chăm sóc cây bầu bí thành công.

Thông thường, cây bầu bí phát triển tốt nhất trong mùa hè và mùa mưa, với điều kiện nhiệt độ lý tưởng trong khoảng 25-27°C.

Loại đất phù hợp nhất để trồng cây bầu bí là đất thịt nhiều mùn, thoát nước tốt. Đất thịt là sự kết hợp giữa 3 loại đất là: đất cát, đất sét, đất phù sa. Vì thế mà tất cả những ưu điểm vượt trội của 3 loại đất trên đều hội tụ trong đất thịt. Đất thịt cũng là loại đất rất giàu các chất dinh dưỡng, nhờ vậy mà rễ cây có đủ nước và không khí để phát triển tốt nhất.

2. Làm đất trước khi gieo hạt

Bầu bí là loại cây không “kén” đất, tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho cây phát triển, bà con lưu ý chọn môi trường đất như sau:

- Loại đất: đất mùn hoặc đất cát giàu chất hữu cơ.

- Phạm vi pH lý tưởng của đất: 6,0 đến 7,0.

- Có giải pháp thoát nước hợp lý, bởi vì nếu đất ngập úng rất khó để thu được mùa vụ thành công.

-  Thời gian làm đất: Chuẩn bị trước khi gieo hạt từ 3-4 tuần.

- Nếu canh tác trên đồng ruộng, bà con cần bón bổ sung phân hữu cơ cho đất với tỷ lệ 10–12 tấn/ha.

3. Thời điểm gieo hạt

Thời điểm gieo hạt sẽ phụ thuộc vào giống cây cũng như khu vực bà con canh tác. Cụ thể là:

- Ở vùng đồng bằng, vụ hè gieo hạt từ tháng 2 đến tháng 4, vụ mùa mưa gieo hạt từ tháng 6 trở đi.

- Ở vùng đồi núi, việc gieo hạt nên diễn ra từ tháng 3 đến tháng 4.

Bên cạnh đó, việc gieo hạt trễ sẽ gây ra bất lợi cho năng suất toàn mùa vụ. Chẳng hạn như, nếu gieo chậm 15 ngày thì năng suất có thể giảm đến 35%. Ngoài ra, những cây được gieo hạt sớm sẽ có hoa và quả phát triển thuận lợi hơn.

Dưới đây, Agmin đã tổng hợp yêu cầu về thời điểm, khoảng cách, mật độ và độ sâu gieo hạt của 4 loài cây: bầu nậm, bí đao, khổ qua và bầu rắn.

Thời điểm gieo hạt bầu bí

4. Tưới tiêu

Vào mùa hè, cây cần được tưới nước thường xuyên, mỗi lần tưới cách nhau 5-6 ngày khi cây đã ra được 4-5 lá.

Nhìn chung, vào mùa mưa, việc tưới tiêu không cần thiết cho lắm. Đổi lại vào thời kỳ nắng nóng và khô hạn, bà con cần đảm bảo tưới tiêu đầy đủ cho cây. Đặc biệt, vào thời điểm trước khi cây sắp trổ hoa, bà con cần thực hiện tưới nhẹ 1 lần cho toàn bộ luống, có như vậy hoa và quả mới phát triển tốt.

Ngoài ra, hầu hết họ bầu bí là những loài thực vật có bộ rễ sâu, ưa ẩm, bề mặt lá rộng và khả năng chịu hạn chỉ ở mức trung bình.

Lượng nước tưới tiêu cần thiết cho cây:

Tưới tiêu cho bầu bí

5. Tưới nhỏ giọt

Tưới nhỏ giọt là hình thức tưới bằng cách cho giọt nước nhỏ trực tiếp vào gốc cây, từ đó nước sẽ thấm qua đất và đi tới bộ rễ của cây. Lợi ích của việc tưới nhỏ giọt vừa giúp tiết kiệm nước vừa cải thiện đáng kể năng suất của bầu bí, cụ thể như sau:

tưới nhỏ giọt cho bầu bí

6. Chuẩn bị vườn ươm và cấy ghép

Vườn ươm và cấy ghép là các giải pháp giúp bà con trồng bầu bí ngoài mùa sinh trưởng thông thường.

Đối với hình thức vườn ươm, bà con có thể gieo hạt bầu bí trong các túi polyethene (PE) hoặc ống ươm cây, với kích thước 15x10cm. Tiếp theo, bà con cho vào túi các thành phần bao gồm: đất, cát và phân hữu cơ theo tỷ lệ bằng nhau. Sau đó, gieo 2 hạt vào mỗi túi với độ sâu 2.5cm.

Lưu ý: Túi trồng cây phải có 4-5 lỗ ở mặt bên và 2-3 lỗ ở đáy để đất thoát khí và thoát nước.

Sau khi đã gieo hạt, bà con tưới nhẹ bằng bình hoa sen. Thông thường, khi cây con được 30 ngày tuổi thì có thể cấy vào bầu. Việc cấy cây con nên được thực hiện vào buổi tối. Khi muốn chuyển cây con vào bầu, bà con dùng lưỡi dao sắc rạch 1 đường dọc theo chiều cao túi hoặc ống để lấy cây con ra.

Sau khi hoàn tất công đoạn cấy, bà con đừng quên tưới nhẹ để thúc cây con tự mọc trong bầu đất.

Chuẩn bị vườn ươm và cấy ghép bầu bí

7. Bón phân cho cây bầu bí

Đối với 1 ha đất, nhu cầu phân bón cần dùng là: 200kg urê, 350kg supe lân đơn và 125kg kali. Trong đợt cày xới cuối cùng, bón phân theo tỷ lệ: 1 phần supe lân + ⅓ kali + tất cả urê.

Nên dùng phần urê còn lại để bón thúc 30 ngày sau khi gieo hạt và khi cây bắt đầu ra hoa. Do tỷ lệ sử dụng phân bón ngày càng tăng và các tác dụng phụ có thể phát sinh, bà con hãy bón phân vào rãnh hoặc hố gieo hạt. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất cần nhớ là không được để hạt tiếp xúc với phân bón, vì điều này có thể ngăn cản hạt nảy mầm hoặc làm hạt chết trong giai đoạn nảy mầm.

Tỷ lệ bón phân cho một số cây bầu bí:

Bón phân cho cây bầu bí

>>> Xem thêm: Giải pháp dinh dưỡng và ngừa bệnh cho cây bầu bí.

8. Làm giàn cho cây leo

8.1. Làm giàn mái leo

Với hình thức giàn leo có mái, dây leo được trải rộng trên một giàn giáo cách mặt đất khoảng 2-2.4 mét, với các cột trụ làm bằng bê tông, thép hoặc sắt.

Ưu điểm của giàn mái leo là làm giảm tác động bất lợi của thời tiết khô cằn và nóng bức đối với quá trình trao đổi chất và sự sống của cây leo. Nhờ đó, bầu bí sinh trưởng tốt hơn và tạo nhiều quả chất lượng hơn.

8.2. Làm hàng rào dây leo

Đây cũng là một loại hình trồng bầu bí được áp dụng khá phổ biến, giúp thúc cây ra hoa và đậu quả sớm, quả đạt chiều dài tối đa do treo tự do.

Vật liệu để dựng hàng rào dây leo bao gồm: cọc gỗ và dây lưới (loại chuyên dùng cho trồng trọt). Đầu tiên, bà con cắm các cọc gỗ xuống đất với độ sâu 45cm và mỗi cọc cách nhau khoảng 5 mét. Sau đó, giăng lưới lên các cọc để tạo thành hàng rào.

Làm giàn cho bầu bí

Hàng rào cho dây dưa leo.

8.3 Trồng bầu bí không cần giàn

Thật ra, nếu không có điều kiện dựng giàn cho dây leo, bà con có thể trồng bầu bí ngoài cánh đồng hoặc cho chúng bò trên mặt đất. Ưu điểm của phương pháp này là vào mùa hè, giúp cây tránh bị cháy nắng, dây leo, lá và quả vẫn hấp thụ đủ độ ẩm để phát triển. Tuy nhiên, điểm hạn chế là dễ khiến dây leo, quả bị nhiễm khuẩn từ đất.

9. Cắt tỉa dây nhánh

Cắt tỉa dây nhánh là một công đoạn quan trọng vừa giúp chúng ta thu hoạch được quả ngon vừa sản xuất được hạt giống chất lượng. Mặc dù, bầu bí có rất nhiều dây nhánh nhưng chỉ một vài dây nhánh là có thể đậu quả. Do đó, bà con cần tỉa bỏ những dây nhánh ở đoạn từ thân gốc lên đến giàn để cây thông thoáng, tăng khả năng trổ hoa, kết quả.

10. Thời điểm thu hoạch

Thời điểm thu hoạch bầu bí

Giàn bầu nậm (bầu hồ lô) tới ngày thu hoạch.

Các cây thuộc họ bầu bí có thể thu hoạch được khi chúng ta sờ vào thấy quả tương đối mềm và đạt đến độ dài nhất định. Thời điểm thu hoạch thường kéo dài liên tục từ cuối tháng 6 đến hết tháng 10. Dưới đây là thời vụ thu hoạch của một số loài bầu bí:

Thời điểm thu hoạch

11. Phòng ngừa một số bệnh thường gặp trên bầu bí

Có rất nhiều bệnh hại là nguyên nhân chính đe dọa năng suất và chất lượng quả bầu bí. Trong số đó, bệnh phấn trắng, sương mai, đốm lá là những căn bệnh hại phổ biến nhất.

11.1. Kiểm soát bệnh sương mai

Không chỉ ở Việt Nam, bệnh sương mai gây hại cho cây bầu bí trên toàn thế giới.

kiểm soát bệnh sương mai

Biểu hiện của bệnh sương mai trên lá.

Triệu chứng:

- Bệnh chớm nở dưới dạng những đốm khảm góc cạnh màu vàng ở mặt trên của lá.

- Đến mùa mưa, những đốm khảm này “ăn” xuống mặt dưới của lá và phát triển thành màu đỏ. Theo thời gian, các đốm này trở nên hoại tử.

- Các lá bị nhiễm bệnh ngả vàng và héo rụng, cây thì còi cọc và cuối cùng chết đi.

- Quả không thể chín hoàn toàn và ăn không ngon.

Kiểm soát bệnh:

- Tránh tưới nước từ trên cao và tưới vào cuối buổi sáng, như vậy lá mới có thời gian khô ráo.

- Nhỏ bỏ cỏ dại, dọn sạch rác thải thực vật để hạn chế mầm bệnh phát sinh.

>>> Xem thêm: Bệnh sương mai và những điều cần lưu ý.

11.2. Kiểm soát bệnh phấn trắng

Phấn trắng là một bệnh hại cực kỳ nguy hiểm đối với cây bầu bí. Do đó, bà con cần kịp thời phát hiện và kiểm soát căn bệnh này trước khi giá trị kinh tế bị giảm sút nghiêm trọng.

Triệu chứng:

- Trên lá và dây nhánh xuất hiện một lớp phấn màu trắng hoặc màu xám tro.

- Cuối cùng, toàn bộ lá bị nhiễm trùng, chuyển sang màu nâu và héo úa, dẫn đến rụng lá sớm và chết khô.

- Quả bị dị dạng, phát triển kém.

Kiểm soát bệnh:

- Trồng giống cây kháng bệnh.

- Cải thiện luồng không khí trong tán cây.

- Duy trì khoảng cách hợp lý giữa các cây.

- Tỉa bỏ những lá bị nhiễm bệnh để tránh bệnh lây lan thêm.

>>> Xem thêm: Cách phòng ngừa bệnh phấn trắng.

11.3. Bệnh đốm lá Cercospora

Tác nhân gây ra căn bệnh này là một loài nấm mang tên Mycosphaerella gossypina, thuộc họ Cercospora.

Triệu chứng:

- Lúc đầu, trên lá xuất hiện những đốm bệnh nhỏ màu vàng, úng nước.

- Càng về sau, những đốm bệnh này phát triển to ra, thành những vòng tròn không đồng đều, có tâm màu nâu hoặc trắng, đường viền xung quanh màu tím đen.

- Bệnh chủ yếu gây hại cho lá, khiến lá khô héo giống như bị cháy nắng và cuối cùng là chết. Đôi khi các đốm bệnh cũng xuất hiện trên quả.

Kiểm soát bệnh:

- Đảm bảo đất thoát nước tốt, không khí lưu thông giữa các dây leo.

- Loại bỏ cỏ dại và chất thải thực vật trong và xung quanh vườn.

- Phun thuốc diệt nấm thành phần gốc đồng (Cu).

12. Phòng trừ sâu hại cây bầu bí

Ngoài dịch bệnh, sâu hại cũng là một vấn đề “nhức nhối” mà bà con cần đối phó để đảm bảo tối ưu năng suất và giá trị thương phẩm. Một số loài côn trùng phá hoại thường gặp ở cây bầu bí là: ruồi đục quả, rệp và sâu ăn lá.

12.1. Ruồi đục quả

Triệu chứng:

- Giòi ăn quả, khiến quả bị ô nhiễm.

- Ruồi đục vỏ rồi chui vào ăn tới phần ruột quả.

- Quả bị loét, thối rữa do bị nhiễm khuẩn, rụng sớm trước khi kịp chín.

- Vào mùa gió chướng, trứng ruồi phát tán nhiều hơn, do đó quả bị xâm nhiễm nặng hơn.

Phòng trừ:

- Trồng những giống chín sớm bởi vì chúng ít bị ảnh hưởng hơn là giống chín muộn.

- Điều chỉnh thời điểm gieo hạt. Ruồi đục hoành hành chủ yếu vào mùa mưa và ít xuất hiện hơn vào mùa nắng nóng.

- Thu gom và tiêu hủy quả bị ruồi ăn để không thu hút thêm côn trùng phá hoại.

- Đặt miếng dính bẫy ruồi.

12.2. Rệp sáp

Triệu chứng:

- Rệp sáp gây hại bằng cách cắn và chích hút nhựa ở mặt dưới của lá, làm lá mất màu xanh, ngả vàng, giảm khả năng quang hợp.

- Lá non bị rệp tấn công sẽ trở nên biến dạng, không thể phát triển bình thường.

- Ngoài ra, rệp còn tiết ra một loại “mật ngọt” thu hút nấm bồ hóng tới ký sinh trên cây bầu bí, khiến cây nhiễm bệnh nặng hơn.

Phòng trừ:

- Nuôi và thu hút thiên địch tự nhiên của rệp như là bọ rùa đỏ.

>>> Xem thêm: Cách diệt rệp an toàn và hiệu quả.

12.3. Sâu vẽ bùa

Triệu chứng:

- Sâu đục lá, ăn chất diệp lục, chúng để lại những đường ngoằn ngoèo màu trắng trên bề mặt lá.

- Lá bị nhiễm bệnh teo tóp, kiệt quệ và cuối cùng là chết khô.

Phòng trừ:

- Tỉa bỏ những lá bị sâu đục khoét.

- Dọn sạch cỏ dại, tàn dư thực vật để sâu không có nơi trú ngụ.

- Sử dụng bẫy dính màu vàng.

- Trồng cây thầu dầu hoặc cúc vạn thọ để làm bẫy thu hút sâu và sau đó đem những cây này đi thiêu hủy.

>>> Xem thêm: Phòng trừ sâu vẽ bùa như thế nào?

Trên đây là các kinh nghiệm liên quan đến việc canh tác cây bầu bí mà Agmin muốn chia sẻ cùng bà con nông dân. Agmin hy vọng bà con áp dụng thành công và bội thu mùa vụ!

Biên tập bởi Agmin.vn

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

popup

Số lượng:

Tổng tiền: