Kiến Thức Nông Nghiệp

Bệnh héo vàng do nấm Fusarium: triệu chứng, cách kiểm soát và phòng ngừa

08/01/2023 Agmin.vn 0 Nhận xét

Bệnh héo vàng do nấm Fusarium là một bệnh hại thường xuất hiện khi nhiệt độ tăng lên vào mùa hè. Cà chua, cà tím, ớt, bầu bí, bắp cải và đậu là những loài cây thường chịu ảnh hưởng của căn bệnh này. Trong bài viết sau đây, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu các thông tin liên quan đến triệu chứng cũng như cách kiểm soát và ngăn ngừa bệnh héo vàng do nấm Fusarium gây ra.

Biểu hiện của bệnh héo vàng do nấm Fusarium trên cây cà chua.

1. Bệnh héo vàng do nấm Fusarium là bệnh gì?

Bệnh héo vàng là một căn bệnh hại thực vật do nhóm nấm Fusarium gây ra. Hầu hết các trường hợp cây trong vườn mắc bệnh héo vàng là do sự tấn công của loài Fusarium oxysporum.

Cụ thể hơn, nhóm nấm Fusarium này được phân loại dựa trên loài cây mà chúng tấn công với tên khoa học viết tắt là “f. sp”. Chẳng hạn như, “F. oxysporum f. sp. Melonis” là tên gọi của loài nấm F. oxysporum gây bệnh héo vàng trên dưa; còn loài nấm F. oxysporum gây bệnh héo vàng trên cà chua thì được gọi là “f.sp. Lycopersici” (tên khoa học của cà chua là Solanum lycopersicum).

Không chỉ dừng lại ở đó, các nhà nông học đã nghiên cứu và phát hiện ra rằng có đến 3 biến chủng nấm Fusarium khác nhau tấn công cây cà chua. Mặt khác, phản ứng của thực vật (có thể là nhạy cảm hoặc kháng lại) đối với các biến chủng F. oxysporum là không giống nhau.

Nấm Fusarium phát triển mạnh khi đất có đủ độ ấm (khoảng từ 23 đến 30 độ C) vào mùa hè. Trái lại, khả năng phát triển của chúng sẽ giảm đi khi nhiệt độ ở mức dưới 21 độ C.

2. Bệnh héo vàng do nấm Fusarium gây hại cây trồng như thế nào?

Ban đầu, sợi nấm Fusarium tấn công vào các vết thương ở rễ do tuyến trùng hoặc hoạt động trồng trọt gây ra. Sau đó, chúng xâm nhập vào mạch gỗ (xylem) và làm tắc nghẽn hệ thống dẫn nước từ rễ đến các cơ quan khác của cây, khiến cây không hấp thụ đủ nước. Độc tố do nấm tiết ra là nguyên nhân làm cho lá bị vàng. Ngoài ra, những cây có bộ rễ nông thường rất dễ mắc phải bệnh vàng lá.

>>> Xem thêm: Cách phòng ngừa bệnh héo xanh trên dưa chuột.

3. Bệnh héo vàng do nấm Fusarium lây lan như thế nào?

Giống như hầu hết các loài nấm khác, nấm Fusarium sinh sản bằng cách tạo ra bào tử. Một số bào tử có vỏ dày và cứng nên chúng có thể tồn tại trong đất nhiều năm, ngay cả khi điều kiện đất khô cằn.

Còn những bào tử có vỏ mỏng hơn, chúng sẽ trú ẩn trong đất bị ô nhiễm, sau đó lây lan từ đất lên cây hoặc từ cây này sang cây khác thông qua các giọt nước bắn hoặc nông cụ làm vườn không được khử trùng sạch sẽ.

4. Triệu chứng cây mắc bệnh héo vàng do nấm Fusarium

Thực tế, rất dễ để chúng ta lầm tưởng rằng lá héo và vàng là do già đi một cách tự nhiên, thế nhưng, nếu đến mùa hè mà cây vẫn xuất hiện các dấu hiệu được liệt kê dưới đây thì khả năng cao là nấm Fusarium đã tấn công cây:

  • Ban đầu, cây có hiện tượng héo rũ trong khoảng thời gian nóng nhất trong ngày và phục hồi sau một đêm. Triệu chứng này có thể chỉ xuất hiện ở một bên của cây và giống như cây chỉ bị úng nước mà thôi.
  • Tiếp theo, những lá nằm ngoài cùng sẽ ngả vàng trước tiên. Và một lần nữa, triệu chứng này có thể chỉ xuất hiện ở một bên của cây hoặc trên một phần của lá kép. Đôi khi, một số lá vàng sẽ chuyển dần sang màu nâu.
  • Khi chẻ dọc thân ở phần phía dưới gốc cây sẽ thấy mạch xylem bị biến thành màu nâu đậm hoặc nâu đỏ. Sự biến màu có thể lan lên phần mạch dẫn phía trên, thậm chí tới cả cuống lá.
  • Cuối cùng, cây sẽ sinh trưởng và phát triển kém và chết hoàn toàn sau 1-2 tuần mắc bệnh.

Mạch xylem của cây biến thành màu nâu đỏ do bị nấm Fusarium tấn công.

5. Cách phân biệt bệnh héo do nấm Fusarium và bệnh héo do nấm Verticillium

Bệnh héo Verticillium là bệnh héo lá do nấm thuộc chi Verticillium gây ra, bệnh này xuất hiện khá phổ biến và lây nhiễm ở nhiều loài cây trồng khác nhau.

Thật không may, bệnh héo Fusarium và bệnh héo Verticillium có các triệu chứng giống hệt nhau. Cách duy nhất để xác định chính xác cây mắc bệnh héo nào trong 2 loại này là đem mô thực vật đến phòng thí nghiệm để phân tích. Tuy nhiên, tác hại của cả 2 bệnh này đối với cây trồng tương tự nhau và các biện pháp mà chúng ta có thể áp dụng để kiểm soát và phòng ngừa chúng cũng không khác nhau là mấy.

6. Cách kiểm soát bệnh héo vàng do nấm Fusarium

Mặc dù chúng ta không thể chữa khỏi cho cây mắc bệnh héo vàng Fusarium nhưng việc áp dụng một số biện pháp nhằm giảm thiểu tác hại của nó thì hoàn toàn có thể. Một số cách chúng ta có thể áp dụng để đối phó với căn bệnh này bao gồm:

  • Làm sạch dụng cụ làm vườn. Nông cụ sau khi được sử dụng tại những khu vực nhiễm bệnh cần được rửa sạch và khử trùng bằng thuốc tẩy chuyên dụng.
  • Nấm Fusarium ưa đất chua, vì vậy chúng ta có thể hạn chế hoạt động của chúng bằng cách bón vôi để nâng độ pH của đất lên trung tính hoặc hơi kiềm (độ pH của đất từ 7 trở lên). Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, nếu độ kiềm của đất quá cao thì sẽ cản trở khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của cây trồng.

6.1. Kiểm soát bệnh héo vàng bằng cách loại bỏ cây bị nhiễm bệnh

Kịp thời loại bỏ cây bị nhiễm bệnh để làm giảm số lượng bào tử nấm trú ẩn trong vườn. Tuyệt đối không sử dụng xác cây, cành cây nhiễm bệnh để làm phân trộn, thay vào đó chúng ta phải chôn chúng xuống đất hoặc đem đi thiêu hủy.

6.2. Kiểm soát bệnh héo vàng bằng cách luân canh cây trồng

Ví dụ, nếu mùa vụ cà chua năm nay mắc bệnh thì mùa vụ năm sau chúng ta nên trồng cà chua ở một khu vực khác. Fusarium là loài nấm ký chủ cụ thể, vì vậy loại nấm tấn công cà chua chưa chắc đã gây hại cho dưa hoặc đậu. Bên cạnh đó, chúng ta cần khéo léo lựa chọn loài cây không bị ảnh hưởng bởi nấm Fusarium để trồng luân canh với cà chua.

7. Cách phòng ngừa bệnh héo vàng do nấm Fusarium

Cho đến hiện tại, vẫn chưa có một giải pháp nào có thể chữa khỏi bệnh héo vàng do nấm Fusarium. Ngay cả việc phun thuốc diệt nấm cũng không đem lại hiệu quả. Vì vậy, phòng bệnh luôn luôn tốt hơn chữa bệnh, cách tốt nhất mà chúng ta có thể làm là hạn chế sự lây lan và cản trở hoạt động của nấm bệnh.

7.1. Phòng ngừa bệnh héo vàng bằng cách trồng giống kháng

Hiện nay, có rất nhiều loài cây đã được nhân giống kháng để chúng ta lựa chọn. Chọn mua gốc ghép hoặc hạt giống từ những nhà cung cấp uy tín. Hạt giống cần được xử lý nhiệt hoặc khử trùng để tiêu diệt bào tử của nấm bệnh trước khi tiến hành gieo trồng.

Khả năng kháng nấm Fusarium, nấm Verticillium, tuyến trùng có hại và nhiều loại sâu bệnh khác của giống đều được nhà cung cấp giới thiệu cụ thể và rõ ràng. Mỗi khả năng kháng bệnh của hạt giống sẽ được biểu thị bằng các ký hiệu riêng.

Ví dụ, “F” hoặc “FNV” sẽ biểu thị cho tính kháng nấm Fusarium, tuyến trùng có hại và nấm Verticillium. Hạt giống được dán nhãn “TMV” cho thấy khả năng kháng virus khảm cà chua. Ngoài ra, hạt giống cà chua được dán nhãn “F”, “FF” hoặc “FFF” để biểu thị khả năng kháng một hoặc nhiều chủng nấm F. oxysporum f.sp. Lycopersici.

7.2. Phòng ngừa bệnh héo vàng bằng cách phơi ải đất (solarization soil)

Phơi ải là một phương pháp thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng mặt trời để tiêu diệt bào tử nấm Fusarium và các tác nhân gây bệnh trong đất. Phương pháp này rất thích hợp để áp dụng vào mùa hè, khi đó một lớp polyethylene trong suốt sẽ được phủ lên đất trong vài tuần để giữ lại sức nóng của ánh nắng và kết quả là mầm bệnh bị nhiệt độ giết chết.

Bệnh héo vàng do nấm Fusarium gây ra sẽ khiến cho năng suất cây trồng giảm sút trầm trọng nếu chúng ta không sớm ngăn chặn sự lây lan và phát tán của nấm bệnh. Việc chọn các giống kháng bệnh, luân canh cây trồng và làm sạch nông cụ sẽ giúp ích rất nhiều trong việc giảm thiểu tác hại của căn bệnh ngặt nghèo này.

Biên tập bởi Agmin.vn

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

popup

Số lượng:

Tổng tiền: